Tại một lớp học nghề ban đêm tại các trung tâm dạy nghề quận Bình Thạnh, thầy chủ nhiệm môn Tiện giới thiệu ngắn gọn: Đây là Nguyễn Quốc Cường, sinh viên năm thứ tư ĐH Thuỷ sản. Cường dừng tay và giải thích lý do học thêm ở đây: Em đang học ngành động lực tàu thuyền nên muốn học chuyên sâu về ngành cơ khí chế tạo. Thời gian thực tập ở trường chỉ có 2 tuần nên em mới biết về phần tiện trụ. Nghe bạn cùng trường, em học nghề cơ khí giúp mở rộng kỹ năng nghề khi ra trường.
Tương tự, ở trung tâm dạy nghề quận 5 cũng có hàng chục sinh viên đăng ký học nghề chủ yếu là điện tử, điện công nghiệp, điện lạnh. Cách đây không lâu, trung tâm làm lễ tốt nghiệp cho gần 30 sinh viên năm thứ ba ĐH Bách khoa (bộ môn Điện tử) học chuyên đề thực hành Ampli. Hiện nay, nhiều sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghệ thành phố học chuyên đề điện tử...
Đoàn Thị Thu Huyền, sinh viên năm thứ ba Trường ĐH kỹ thuật công nghệ cho biết: Học ở trường em chỉ tiếp thu kiến thức chung chung, khi thực tập ngại thực hành vì sợ hư hao vật tư, máy móc... Đến đây, em không chỉ được cầm tay chỉ việc mà còn thực hành mỗi người một máy, tha hồ thử nghiệm....
Riêng kỹ sư trẻ Trần Chương vừa tốt nghiệp ĐH Kỹ thuật công nghệ ngành Điện tử - Viễn thông thừa nhận đang đi ngược quy trình để học làm thợ do nhu cầu công việc ở một trường dạy nghề tỉnh Bình Dương. Chương tâm sự: Muốn làm thầy phải học làm thợ. Kiến thức ở trường đại học chủ yếu là lý thuyết, ít thực hành trong khi dạy nghề đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, kỹ năng thực hành cao....
Một trong những lý do nữa của hiện tượng học làm thợ do kinh phí thực hành, mua vật tư ở các trường đại học chiếm tỷ lệ nhỏ trong khi trung tâm dạy nghề chiếm 20-30% kinh phí đào tạo nghề. Điểm mạnh của trung tâm dạy nghề ở chỗ học viên được thao tác trên máy tới khi thành thạo. Do đó, nhiều sinh viên chủ động tự tìm tới trung tâm dạy nghề để bổ sung kiến thức chuyên sâu hoặc trang bị kỹ năng nghề thứ hai.
(Theo Khuyến học & Dân trí)
|