Thực trạng đào tạo nghề tại các trung tâm Hà Nội
“Chúng tôi đều hiểu cần phải đào tạo cái mà xã hội cần chứ không phải cái mà chúng tôi có. Biết thế nhưng làm được vậy lại không đơn giản chút nào”. Đây là tâm trạng chung của phần lớn các trung tâm dạy nghề của Hà Nội. Khi mà các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng rất lớn thì dường như mạng lưới dạy nghề của Hà Nội đang bỏ ngỏ.
Hiện Hà Nội đang có 155 cơ sở dạy nghề trong đó có 68 cơ sở dạy nghề của TW và 87 cơ sở dạy nghề của Hà Nội. Trong năm 2002 đã tuyển sinh dạy nghề cho 54.976 lượt người đạt 103,7% so với kế hoạch năm. Trong đó đào tạo dài hạn là 15.976 người chiếm 29,5%, đào tạo và bồi dường nghề ngắn hạn là 39.000 người chiếm 70,05%.
Các ngành nghề được đào tạo phần lớn là tin học, điện tử - điện lạch 22%; ăn uống, dịch vụ 9,2%; lái xe 15%; xây dựng 14%; may mặc 9%; sửa chữa ôtô xe máy 5% và nông nghiệp 1,8%. Những con số trên cho thấy mạng lưới dạy nghề của Hà Nội đã vượt chỉ tiêu và dường như có vẻ đáp ứng được nhu cầu người học.
Hệ thống 9 trường THCN và dạy nghề của Hà Nội được cấp kinh phí cũng vượt chỉ tiêu được giao với con số tuyển sinh năm 2002 là 8.536 người (đạt 142,7% kế hoạch). Trong đó công nhân kỹ thuật là 6.576 người đạt 109,6%; THCN 1.987 người đạt 331,1%.
Năm nào cũng vậy, việc tuyển sinh đầu vào rất khả quan nhưng chỉ đến năm sau thì có hơn 10% bỏ học, có nơi số bỏ học lên tới 20%. Với điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, giáo trình cũ, trang thiết bị cho dạy học lạc hậu... từ đó dẫn đến một thực trạng người học không theo kịp nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Nếu có tuyển dụng thì các doanh nghiệp thường lại phải đào tại lại.
Ông Lê Tiến Định, Giám đốc trung tâm dạy nghề Hoàn Kiếm tâm sự: “Trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu, số lượng thiếu so với yêu cầu. Nguồn thu học phí chỉ đủ trả lương cho giáo viên và nguyên liệu thực hành, việc tái đầu tư cho thiết bị giảng dạy là khó có thể thực hiện được. Không còn cách nào khác là phải động viên giáo viên cố gắng khắc phục những khó khăn để dạy học viên nghề cho nghề, có thế mới thu hút học viên.
Trung tâm dạy nghề Hoàn Kiếm với diện tích 700m2, thường xuyên có 200 học viên/10 lớp. Chỉ tiêu hàng năm quận giao là 1.800 học viên/năm. Từ năm 2003, ngân sách quận không cấp, trung tâm hoàn toàn tự cân đối thu chi.
Ông Định cho biết, để duy trì hoạt động và trả lương cho 27 giáo viên hợp đồng trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các cơ sở dạy nghề hoàn toàn không đơn giản chút nào.
Tại Trung tâm dạy nghề Ba Đình nằm sâu trong ngõ Nguyễn Trường Tộ, hàng năm đào tạo 2.000 học viên cho 13 nghề ngắn hạn theo chỉ tiêu của quận giao. Tuy mỗi năm trung tâm được quận cấp 140 triệu đồng chi cho lương và quản lý hành chính, trung tâm dạy nghề Ba Đình cũng trong tình trạng chung là đói học sinh, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy và học nghèo nàn lạc hậu.
Còn trung tâm dạy nghề quận Đống Đa cơ sở vật chất, trang thiết bị có vẻ khá hơn nhưng do kỹ thuật thay đổi nhanh, thiết bị thực hành vẫn không theo kịp. Giáo viên ngồi nhà không lương chờ có học viên thì đến dạy.
Tính theo định mức học nghề hiện hành của Nhà nước là 8m2 và 10 triệu đồng/một chỗ học sinh học nghề, thì các cơ sở dạy nghề của Hà Nội chỉ có 2m2 và 1,7 triệu đồng. Như vậy diện tích cơ sở dạy nghề phải cần thêm khoảng 89.107m2 nữa để phát triển. Trong tình trạng ấy, đa số các trung tâm dạy nghề muốn nâng cấp thành trường dạy nghề, nhưng không đủ điều kiện cần thiết.
Theo phương hướng giải quyết việc làm Hà Nội giai đoạn 2003-2005 của Sở LĐ-TB-XH, phấn đấu tăng từ 2-3% tỷ lệ lao động qua đào tạo mỗi năm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, gắn việc học nghề với giải quyết việc làm cho học sinh, gắn hoạt động của các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo các trung tâm dạy nghề thì việc thu hút học sinh nội thành vào học quả là rất khó vì tâm lý chung đều muốn có bằng cấp. Cho nên việc câu học viên ở các tỉnh khác luôn là vấn đề sống còn đối với các trung tâm.
“Trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu, số lượng thiếu so với yêu cầu. Nguồn thu học phí chỉ đủ trả lương cho giáo viên và nguyên liệu thực hành, việc tái đầu tư cho thiết bị giảng dạy là khó có thể thực hiện được.”
Ông Lê Tiến Định, Giám đốc trung tâm dạy nghề Hoàn Kiếm
Theo TBKTVN
|