Trong giai đoạn toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, yếu tố cơ bản tạo nên sự năng động của một xã hội là năng lực sáng tạo. Vì vậy, tinh thần cơ bản của giáo dục ngày nay là hun đúc, rèn luyện, phát triển năng lực đó cho thế hệ trẻ. Để làm tốt việc ấy đại học phải thực hiện đào tạo qua nghiên cứu khoa học. Vì vậy tình hình nghiên cứu khoa học ở các đại học của ta ra sao, điều đó ảnh hưởng quyết định đến chất lượng đào tạo.
1. Thực trạng nền đại học của ta. Mấy năm gần đây đại học ta đã có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, nhiều sự kiện dưới đây cho thấy bức tranh chung vẫn còn chưa sáng sủa lắm:
- Cách đây mấy năm tờ tuần san Asiaweek xếp ĐH Quốc gia của ta đứng thứ 62 trên 65 trong khu vực, gần đây họ xếp lại tôi không nhớ có lên được bậc nào không, mà dẫu có lên một vài bậc trong mấy năm thì liệu đến năm 2020, là lúc mà đất nước chúng ta phải trở thành một nước công nghiệp trung bình, đại học ta có tiến lên được mười hàng đầu không?
Thế nhưng ngay trong khu vực, có những nước trước đây 40 năm không hơn gì ta, nay đã đứng ở vị trí đó rồi. Tại sao như vậy? Đó là một câu hỏi cần đặt ra và trả lời nghiêm chỉnh vì cuộc hội nhập sắp đến sẽ đặt ta trong sự cạnh tranh quyết liệt, mà cạnh tranh thời nay dựa trên yếu tố gì thì ai cũng biết cả rồi.
- Còn nhớ trong bản báo cáo năm 1999 của đoàn chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada đến khảo sát tình hình khoa học và công nghệ của chúng ta, theo lời mời của Chính Phủ Việt Nam, họ có nhận định rằng về khoa học và công nghệ chúng ta lạc hậu hơn Thái-Lan khoảng 30 năm. Liệu từ bấy đến nay ta đã rút ngắn được bao nhiêu khoảng cách đó?
Trong khi làn sóng cách mạng công nghệ đã và đang làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt đại học trên khắp thế giới, thì đại học của ta trên cơ bản vẫn chưa thoát khỏi sự trì trệ kéo dài trên hai thập kỷ nay. Năm này qua năm khác chúng ta vẫn loay hoay với các quan niệm cũ kỹ chung quanh các vấn đề thi cử, học hàm, học vị, chức danh, phương pháp, quy trình đào tạo nghiên cứu sinh, v.v... Trong khi 50% cán bộ giảng dạy đại học chỉ có trình độ tốt nghiệp đại học và cả nước chỉ có mấy trăm GS và vài nghìn PGS (mà trình độ nói chung còn thấp so với quốc tế) thì nghiên cứu khoa học lại chưa được chú ý, sinh hoạt học thuật tuy vài năm gần đây có khởi sắc đôi chút nhưng căn bản vẫn rời rạc, uể oải, chưa lấy lại phong độ những năm đầu 60 thế kỷ trước, nói gì chuẩn mực quốc tế. Trái lại, từ nhiều năm rồi các đại học ta vẫn cứ rộn rịp cảnh dạy thêm, luyện thi, mua bán luận văn, bằng cấp.
Đương nhiên vẫn có những điểm sáng, vẫn có những đơn vị, những con người trong khó khăn vẫn kiên trì giữ vững chuẩn mực. Song họ là ai, có bao nhiêu người, bao nhiêu đơn vị như vậy, đó là nỗi lo lắng của chúng ta.
2. Nguyên nhân sự trì trệ. Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là gì?
Phải chăng vì những người lao động trong các ngành giáo dục và khoa học thiếu ý thức trách nhiệm, không làm việc hết mình, hay trình độ, năng lực quá non kém? Nguyên nhân đó nếu có cũng chỉ một phần và chỉ là hậu quả những nguyên nhân khác sâu sắc hơn.
Phát triển khoa học, công nghệ đòi hỏi nhiều điều kiện nhưng trước hết là trí tuệ và ý chí, mà cả lịch sử hàng nghìn năm chiến đấu dựng nước và giữ nước, đặc biệt cuộc chiến oanh liệt giành độc lập thống nhất vừa qua, đã chứng minh rõ tiềm năng trí tuệ và ý chí không thiếu trên đất nước này. Vậy nếu khoa học công nghệ chưa phát triển, và chưa đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế thì phải tìm nguyên nhân ở chỗ khác. Nói thẳng ra, đó là do cơ chế quản lý (bao gồm chính sách, tổ chức và điều hành mà trước hết là nhận thức và sự đối xử của xã hội và cơ quan lãnh đạo đối với khoa học, công nghệ và đối với lao động trên mặt trận này. Chúng ta nói rất nhiều, làm rất ít, hoặc làm không đúng, cho nên dù có thêm nhiều cuộc hội thảo, dù có thêm nhiều dự án hàng trăm triệu USD, cũng không lay chuyển được tình thế nếu cơ chế quản lý không thay đổi. Khi một hệ thống gồm những phần tử không tồi nhưng đầu ra tồi, thì trước hết phải nghĩ đến cấu trúc bên trong và cơ chế vận hành của nó trục trặc ở đâu. Lỗi cấu trúc lỗi cơ chế, lỗi phần mềm hệ thống, nếu chỉ chữa bằng điều chỉnh qua liên hệ ngược, sai đâu sửa đó, thì có khi càng sửa càng rối.
Vì vậy theo tôi, cơ chế quản lý là điều cần nghiên cứu cải cách trước hết và cần nghiên cứu nghiêm túc, chứ không phải như vừa qua: cấp 300 triệu đồng cho đề tài, phân cho ba cơ quan, rồi mỗi cơ quan này mời một số chuyên gia đến phát biểu, thế gọi là nghiên cứu. Hơn nữa khoa học, giáo dục chịu tác động mạnh mẽ của hệ thống lớn kinh tế xã hối. Chừng nào tiền lương chỉ đáp ứng 1/5 nhu cầu sinh hoạt, mà quản lý tài chính còn lạc hậu kiểu này, chừng nào doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước còn cạnh tranh để giành ưu đãi nhiều hơn là giành lợi nhuận chính đáng qua cải tiến công nghệ và nâng cao năng suất, chừng nào xã hội đen, tham nhũng còn hoành hành từ trên xuống dưới thì chưa thể hy vọng chuyển biến lớn trong đại học và khoa học nói chung.
Chỉ cần nhìn kỹ chính sách đối với lao động khoa học và giáo dục đủ hiểu vì sao hai ngành này tụt hậu. Chính sách ấy chỉ gói gọn trong hai mục: tiền lương (nói cho văn hoa là đãi ngộ), và sử dụng (nói rõ là tạo điều kiện môi trường cho họ phát huy hết tài năng). Về hai mục ấy, biết bao nhiêu vấn đề đã được nêu lên, biết bao cuộc họp, biết bao nghị quyết lớn nhỏ, mà đến nay đã có bao nhiêu chủ trương đúng đi vào cuộc sống?
Nhìn bề ngoài có vẻ mọi mặt đều khả quan: nhà cửa, trường sở khang trang hơn (gọi là khang trang đối với ta thôi, chứ đã thấm gì so với vài nước trong khu vực, mà cái giá phải trả cho sự khang trang ấy đâu phải nhỏ nếu ta nhớ rằng thất thoát trong xây dựng lên đến 50% hay hơn). Nhưng đó chỉ mới là bên ngoài, còn bên trong hoạt động ra sao? Thực tế là từ nhiều năm nay số lớn thầy giáo, thầy thuốc và nhà khoa học, bất kể trình độ nào, đều bị thả nổi, phải tự xoay xở, bươn chải để tồn tại. Không chức không quyền, những người này bươn chải bằng cách bán chữ nghĩa, trí thức, mà ở cái thời xô bồ thật giả lẫn lộn thì chữ nghĩa, trí thức thứ thiệt có đáng giá là bao, cho nên mới sinh ra cảnh đau lòng có những người vốn dĩ tốt mà phải kiếm sống bằng thủ đoạn lừa dối trái với lương tâm. Như một sự trừng phạt đối với xã hội, chính sách thả nổi đã vô tình giúp cho không ít trí thức sau mấy năm đã có được một mức sống vật chất dư dả, có người trở nên giàu có, nhưng cái giá mà xã hội phải trả thật khủng khiếp. Mỗi ngày có bao nhiêu trí thức giàu lên kiểu ấy thì cũng có bấy nhiêu trí tuệ vĩnh viễn chia tay với khoa học, bấy nhiêu tài năng bị mai một, tàn lụi. Nói ra những điều này thực khổ tâm, vì là những điều biết rồi, khổ lắm nói mãi, nhưng có lẽ vẫn cứ phải nói nhiều nữa thì mới sửa được.
3. Xây dựng đại học và khoa học cần hướng theo chuẩn mực quốc tế. Xu thế toàn cầu hóa và kinh tế tri thức đòi hỏi mọi ngành hoạt động trong mỗi quốc gia phải hướng theo các chuẩn mực quốc tế, nếu không sẽ bị bỏ rơi trong cuộc hội nhập. Số lượng, chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá các đại học thời nay, vì sức cạnh tranh của một nền kinh tế, sức bật của một xã hội, phụ thuộc trước hết vào sức sáng tạo, mà đại học là nơi hun đúc, rèn luyện đầu óc sáng tạo chỉ có thể thực hiện sứ mạng đó thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học.
- Mọi hoạt động khoa học cần dựa trên các chuẩn mực quốc tế. Với trình độ cán bộ khoa học như ta hiện nay mà cho rằng có đến 50% cán bộ giảng dạy làm nghiên cứu khoa học, 30-40% công trình nghiên cứu đã được ứng dụng thì những con số ấy quá lạc quan, chứng tỏ quan niệm của ta về nghiên cứu khoa học còn quá dễ dãi và thô sơ, cách xa các chuẩn mực quốc tế. Trong số gần 5.000 tiến sĩ của ta có lẽ chỉ trên dưới vài nghìn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Còn lại có khi chỉ đáng là thạc sĩ thậm chí thấp hơn.
- Ở các nước, một giảng viên đại học dạy không quá 10 giờ (thường chỉ 3-6 giờ) một tuần, và sau mấy năm được trả đủ lương để nghỉ hẳn một năm hay 6 tháng, tập trung làm công tác nghiên cứu khoa học (thường họ đến một đại học ở nước ngoài để làm nghiên cứu). Giảng viên các đại học của ta mỗi tuần phải lên lớp 25-30 giờ hay hơn nữa, hỏi còn đâu thì giờ và đầu óc sáng suốt để nghiên cứu khoa học, cập nhật kiến thức. Dạy bù đầu như thế thì dù tài giỏi đến mấy cũng chỉ có thể dạy theo kiểu phổ thông, mà cũng chưa hẳn phổ thông hiện đại, nói gì đại học hiện đại. Người ta tăng tốc tích lũy tri thức còn chúng ta tăng tốc hao mòn tri thức. Chỉ lấy thí dụ môn lý thuyết tối ưu mà chương trình nhiều đại học, kể cả các đại học kinh tế và công nghệ, đều có dạy. Đây là một ngành học mà Việt Nam đã có một vị trí quốc tế xứng đáng về khoa học, thế mà trong lúc diện mạo của nó đã thay đổi nhanh trong vòng mươi năm nay thì các đại học của ta vẫn dạy theo những giáo trình lạc hậu cách đây vài chục năm. Tình hình nhiều ngành học khác chắc cũng tương tự, hoặc nghiêm trọng hơn.
4. Cần xác định rõ nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo cũng chính là phục vụ kinh tế xã hội một cách thiết thực.
Hiện nay chất lượng đại học của ta nói chung rất thấp: nhiều chuyên gia nước ngoài ước lượng chỉ 20% số kỹ sư do đại học ta đào tạo có năng lực chấp nhận được so với các nước. Trình độ kỹ sư và nhân viên kỹ thuật như thế, thì năng suất các ngành làm sao cạnh tranh nổi với họ. Chẳng hạn, nếu một sản phẩm hay dịch vụ là kết quả của ba quy trình kế tiếp mà mỗi quy trình, do trình độ của nhân viên kỹ thuật chỉ đạt 9/10 chất lượng yêu cầu, thì rốt cục sản phẩm ấy chỉ đạt (9/10)3=0,729 chất lượng! Cho nên chỉ cần đại học nâng cao chất lượng để đào tạo được những kỹ sư, cử nhân, bác sĩ, tiến sĩ có đủ trình độ và năng lực theo chuẩn mực quốc tế, thì đó đã là sự đóng góp rất thiết thực vào sản xuất, kinh doanh, và đã là một hình thức chuyển giao công nghệ có hiệu quả. Mà muốn nâng cao chất lượng đào tạo không có biện pháp nào thay thế được đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.
- Một nước như ta thường xuyên phải nhập những công nghệ mới từ nước ngoài, những công nghệ này sau đó ở nước ngoài vẫn thường xuyên được cải tiến theo kiểu gia tăng (incremental), còn ta thì vẫn dùng phiên bản lúc đầu nên sản phẩm vẫn thua kém. Kinh nghiệm Hàn Quốc, Singapore đều cho thấy sở dĩ họ tiến nhanh là vì rất coi trọng những cải tiến gia tăng trong quá trình công nghiệp hóa, nhờ những nghiên cứu đó mà sau khi nhập một công nghệ mới họ có thể giữ vững được và có khi tăng chất lượng để cạnh tranh được với các nước khác. Những ý tưởng cải tiến nhỏ thường nảy ra trong quá trình nghiên cứu làm chủ công nghệ mới, cho nên nghiên cứu khoa học ở các đại học cần coi trọng hướng này để cập nhật kiến thức và nâng cao chất lượng đào tạo. Coi nhẹ bước này thì khó tiến lên sáng tạo công nghệ mới.
- Riêng về các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nhất thiết phải theo chuẩn mực quốc tế. Nghiên cứu cơ bản mà bôi bác thì thà không làm còn có ích hơn. Chỉ những công trình khoa học cơ bản nào có thể công bố trên quốc tế mới đáng coi là kết quả nghiên cứu khoa học về ngành đó.
- Nghiên cứu khoa học giáo dục cần kết hợp trực tiếp với nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm. Nên xem xét lại mô hình đào tạo giáo viên qua các trường sư phạm của ta hiện nay, vì theo tôi biết, trên thế giới các mẫu trường như đại học sư phạm của ta ngày càng hiếm thấy (các nước đã bỏ dần). Trong lúc đó hàng loạt vấn đề thực tiễn giáo dục hiện nay không được xử lý đúng đắn và khoa học, khiến nhiều người nghi ngờ hiệu quả các nghiên cứu về khoa học giáo dục mà kinh phí chiếm đến khoảng 1/4 tổng kinh phí nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Cần đổi mới hàng loạt chính sách và chế độ quản lý khoa học mới thúc đẩy được nghiên cứu khoa học ở các đại học.
Nói chung trong việc xây dựng đại học ta nên nghiêm chỉnh học kinh nghiệm các nước, không nên sáng tạo vội vàng khi chưa nghiên cứu kỹ. Trong giai đoạn toàn cầu hóa, việc hội nhập quốc tế đòi hỏi những chuẩn mực chung trong từng ngành mà ngay cả một số nước phát triển cũng phải tuân thủ. Ta lại đi sau họ, nếu không chấp nhận những chuẩn mực ấy thì làm sao hợp tác, cạnh tranh với họ được ? Đặc biệt cần cải cách mạnh mẽ một số chế độ, chính sách sau đây:
1) Tiền lương và chế độ sử dụng lao động khoa học, giáo dục. Việc tăng lương vừa qua không có tác dụng thiết thực, cần cấp bách cải cách chính sách tiền lương, ít ra đối với lao động khoa học và giáo dục, trước hết đối với cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Vấn đề hiện nay không phải chỉ là đơn giản tăng lương, mà là làm sao để sớm chấm dứt tình trạng cán bộ giảng dạy đại học dạy quá nhiều giờ, trong đó có một số lớn giờ chỉ là dạy thêm, luyện thi, v.v..., mà tác dụng về nhiều mặt có hại nhiều hơn lợi.
2) Chế độ tuyển chọn GS, PGS. Từ 2002 công tác này đã có một số cải tiến, nhưng chưa cơ bản và vẫn còn cách xa các chuẩn mực quốc tế. Cần tiến lên thay đổi toàn bộ chế độ tuyển chọn GS, PGS theo hướng nhích dần tới các chuẩn mực quốc tế, lấy nó làm đòn bẩy nâng cao chất lượng các đại học. Trong số gần 1.500 GS và PGS đã được công nhận, có lẽ không ít hơn 500 người dưới chuẩn mực quốc tế, mà phần đông tuổi lại đã quá cao. Trong lúc đó có nhiều người trẻ giỏi vẫn bị loại chỉ vì những tiêu chuẩn bất hợp lý, khiến một số trong họ bỏ ra nước ngoài làm việc, số còn lại chán nản. Tuổi trẻ trông vào các gương đó ít ai muốn dấn thân vào khoa học. Thanh niên chen chân vào các trường sư phạm một cách bất thường, không phải vì hâm mộ nghề giáo mà chủ yếu vì, như trên đã nói, từ chỗ bạc bẽo nhất nay nghề giáo đã thành một nghề dễ kiếm sống và an toàn.
3) Chế độ đào tạo cao học và tiến sĩ.
Cách quản lý hiện nay tập trung cực đoan, cứng nhắc và quan liêu, vừa hạn chế các cơ sở có trình độ và khả năng, vừa vô tình tạo điều kiện dễ dàng cho một số đại học yếu kém phóng tay đào tạo tiến sĩ giấy mà vẫn cấp bằng quốc gia. Về hình thức có vẻ yêu cầu còn cao hơn ở những nước phát triển (như muốn thi vào nghiên cứu sinh phải có hai công trình khoa học đã công bố trên báo!), nhưng trình độ thực tế lại rất thấp, trừ một số rất ít ngành và cơ sở đào tạo vẫn giữ được chuẩn mực. Cần cải cách quản lý theo hướng hạn chế nghiêm ngặt số cơ sở được phép đào tạo tiến sĩ, nhưng khi cơ sở nào đã được quyền đào tạọ thì phải để cho họ đủ quyền tự chủ về chuyên ngành đào tạo, quy trình đào tạo và chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng đầu ra.
4) Chế độ tuyển chọn và cấp phát kinh phí cho các đề tài khoa học, chế độ quản lý sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học. Hiện nay đây là một trong những khâu yếu nhất của quản lý khoa học. Ở các nước, tiền lương đủ cho nhà khoa học không phải bận tâm mưu sinh, nhưng kinh phí cấp cho các đề tài khoa học chỉ được dùng trong việc nghiên cứu (mua sắm thiết bị, hợp tác khoa học với các nước, tham gia các hội thảo quốc tế, hỗ trợ nghiên cứu sinh, v.v...). Ở ta vì tiền lương quá thấp nên một phần khá lớn kinh phí dành để trả công cho nhà khoa học, trở thành một phần quan trọng, nhiều khi là phần chính, trong thu nhập của họ. Có những đề tài kinh phí rất lớn vẫn được dùng 40% kinh phí để trả công cho các thành viên đề tài, thì có thể tưởng tượng bao nhiêu chuyện tiêu cực có thể phát sinh từ đây. Đã thế, nghiệm thu lại rất hình thức, hầu như đề tài nào cũng được đánh giá kết quả xuất sắc hoặc tốt. Nước ta có những doanh nghiệp thua lỗ, công nghệ tụt hậu nghiêm trọng vẫn được công nhận đơn vị anh hùng thì không lạ gì có lắm đề tài bôi bác vẫn được đánh gíá xuất sắc và tiếp tục hút tiền của Nhà nước một cách vô tội vạ .
5) Xây dựng một hay hai đại học và trung tâm nghiên cứu thật sự tiêu biểu.
Chủ trương đã có khi bắt đầu xây dựng các ĐH quốc gia, nhưng thực hiện không có hiệu quả. Rút kinh nghiệm việc này, cần có chính sách và biện pháp thích hợp và kiên quyết để tiến tới xây dựng được một hay hai đại học thật sự xuất sắc về mọi mặt, với biên chế giáo sư được chọn lựa kỹ có trình độ quốc tế cao, và sinh viên giỏi được đào tạo theo quy trình và chất lượng ngang tầm khu vực, làm chỗ dựa vững chắc và đầu tàu lôi kéo cả ngành đại học đi lên hiện đại. Nếu đến 2020 mà chưa có một hay hai đại học và trung tâm nghiên cứu tiến lên hàng đầu ở khu vực thì phải xem đó là thất bại lớn trên con đường hội nhập.
(Bài viết của Giáo sư Hoàng Tụy-VOV)
|