Hương Giang (ĐH Ngoại ngữ - huongiangdhng@yahoo.com
Theo tôi, vào ĐH vẫn là bước đường quan trọng nhất. Bố mẹ nào mà chẳng mong muốn và xác định cho con mình vào ĐH bằng mọi giá. Vào ĐH vẫn là con đường chính để có một công việc tốt bởi hiện nay, ở nước mình, người ta vẫn coi trọng vấn đề bằng cấp, vẫn đánh giá con người qua bằng cấp.
Diệu Thuý (trường ĐH Sư phạm - tamhonda154@yahoo.com)
Tôi nghĩ rằng, không nhất thiết phải vào ĐH vì có rất nhiều con đường khác để lập nghiệp như học nghề hay chuyển hướng kinh doanh. Việc học ĐH có thể bổ sung thêm được nhiều kiến thức. Tuy nhiên, điều quan trọng là những kiến thức này có được áp dụng vào thực tế hay không. Tôi đã thấy có không ít sinh viên mất 4, 5 năm học ĐH, ra trường trong thời gian dài mà vẫn chưa tìm được việc, như vậy có phải là lãng phí không? Bây giờ có nhiều người không được học ĐH, nhưng lại có đầu óc kinh tế, nhanh nhẹn, cộng thêm ý chí và nghị lực vươn lên. Họ đi học lấy 1 nghề nhất định hoặc học tại chức nhưng vẫn làm việc rất tốt.
Hương Ly, học sinh lớp 12 - phuongly@yahoo.com
Một thầy giáo của mình đã nói rằng: các em có học gì, làm gì đi nữa thì kết quả cuối cùng vẫn chỉ là tạo ra một cái cần câu cơm. Các em làm một công việc lương thiện và đủ nuôi bản thân là thầy đã tự hào lắm rồi.
Vào ĐH đâu phải con đường duy nhất. Thế nhưng, với mình bây giờ, việc vào ĐH là quan trọng hàng đầu. Hiện nay ở nước ta, tấm bằng ĐH có lẽ là con đường nhanh nhất, thuận lợi nhất để có thể vào đời. Có vẻ như người tuyển dụng vẫn quá quan trọng bằng cấp mà không coi trọng nhân lực lao động. Nhiều người có khả năng làm một công việc nào đó trên thực tế là rất tốt, song họ vẫn chưa thể phát huy khả năng vì không có bằng cấp, không có cơ hội tiếp cận công việc hoặc luôn bị chèn ép. Chính vì vậy mà lựa chọn quan trọng nhất của mình là phải đỗ ĐH.
Lê Hữu Diện, học sinh lớp 12 - only-love84vn@yahoo.com
Theo mình nghĩ, học ĐH ở Việt Nam là một vấn đề cần phải suy nghĩ lại, các chương trình đào tạo chưa phù hợp với thời cuộc, không thể theo kịp thế giới. Vậy tại sao cứ phải bỏ tiền ra để chạy theo cái tiếng học ĐH mà không học lấy một nghề nhất định. Và nếu có thể, tại sao chúng ta không đề nghị thay đổi chế độ giáo dục, từ cơ sở đến ĐH? Bạn thử nghĩ xem, tại sao Bộ GD lúc nào cũng áp đặt sách giáo khoa? Rồi chuyện thi ĐH, năm nào cũng bàn đến mà vẫn chưa có sự thay đổi để bắt kịp phương Tây? Sao lại không áp dụng cách học của họ? Xã hội bây giờ vẫn chỉ đề cao bằng cấp mà không đánh giá năng lực thực tế. Mình không phủ nhận việc học ĐH là giỏi. Nhưng rốt cuộc, vẫn chỉ là một người làm công với mức thu nhập còn thua xa một công nhân nước ngoài. Họ cần trình độ thật sự chứ không phải là cái danh ĐH hão như trong nước.
Một phụ huynh là giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Nếu như cố gắng học được ĐH là rất tốt. Nó chứng tỏ các em có mục đích phấn đấu, có khả năng phát triển. Tuy nhiên, với những em chưa qua ngưỡng cửa này cũng không nên lo lắng. Các em có thể học lấy một nghề nào đó như sửa chữa máy móc chẳng hạn. Một người công nhân vận chuyển hàng hóa hay một lập trình viên ngành công nghệ thông tin, một chú bé đánh giày hay giám đốc một công ty lớn cũng như nhau mà thôi. Tất cả đều chung mục đích công việc cho gia đình và xã hội. Lý giải hiện tượng một anh sinh viên ra trường 3 năm sau vẫn chưa có việc làm thế nào trong ba khả năng: thứ nhất, anh ta chưa có cơ hội tốt để làm việc; thứ hai: chưa có công ty nào nhận anh ta; thứ ba: khả năng làm việc của anh ta chưa có. Nếu là hai khả năng đầu, nó minh chứng cho việc xã hội còn quá lãng phí các cử nhân ĐH, bỏ sót hay cố quên đi những lao động đã được đào tạo. Với khả năng thứ ba, chứng tỏ 4 - 5 năm vất vả học tập, anh ta không thu được kiến thức trong nhà trường. Như vậy, chẳng phải 4 - 5 năm đào tạo ĐH vẫn thua xa 1 - 2 năm đào tạo ngành nghề nhất định sao?
Dù sao, chúng tôi vẫn đánh giá cao việc học ĐH. Đó là cơ hội rất tốt để các bạn trẻ bước vào đời một cách thuận lợi. Được đào tạo cơ bản, các bạn sẽ gom được vốn kiến thức nhất định để cống hiến cho xã hội. Các bạn được học tập, trao đổi kinh nghiệm cuộc sống với thầy cô, bạn bè. Những người có mục đích sống sẽ có cơ hội tiến xa hơn nữa. Và học gì đi nữa, ĐH, CĐ hay học nghề thì quan trọng hơn cả thì ý chí và nghị lực mới có thể giúp bạn có chỗ đứng vững trong cuộc sống.
Nguyễn Văn Hưng, 25 tuổi, xã Lộc Yên, Hương Khê, Hà Tĩnh, chủ trang trại trẻ tiêu biểu tỉnh Hà Tĩnh
Hồi cuối năm lớp 12, tôi đăng ký thi vào trường ĐH Thể dục thể thao Từ Sơn nhưng bị loại ngay từ vòng sơ tuyển vì nhỏ con. Vào chơi với anh trai là giáo viên ở Đắk Lăk, anh khuyên tôi thi nghề của anh cho nhàn nhã mà cũng thoát được cảnh chân lấm tay bùn. Tôi làm đơn thi và đỗ vào trường CĐ Sư phạm Đăk Lăk. Cũng trong thời gian này, tôi thấy ở Đắk Lắk phong trào làm kinh tế trang trại mạnh lắm. Thấy việc này thú vị, tôi quyết định bỏ trường CĐ về quê làm trang trại. 18 tuổi, nhà không có vốn, tôi nhờ bố mẹ chạy vạy, vay được khoảng 6 triệu đồng, vác vốn vào khai hoang ở Khe Táy là khu vực xa của xã. Vụ đầu, tôi trồng dưa hấu, thu được 12 triệu. Có được ít vốn, tôi đâm ham và quyết mở rộng trang trại của mình ra. Đến giờ, tôi đã có 7 ha đất, trong đó dành hẳn 4 ha để trồng gió trầm, một loại cây rất có giá trị hiện nay. Phần đất còn lại, tôi dành để trồng bưởi Phúc Trạch, là một loại bưởi đặc sản bán rất chay. Ngoài ra, tôi còn nhận trông giữ 50 ha rừng. Vốn từ trang trại của tôi bây giờ đã tính bằng con số trăm triệu được rồi.
Hồi đầu vào rú ở, ông anh trai của tôi phản ứng dữ lắm. Người ta đang tìm mọi cách đi học ĐH, CĐ để thoát cảnh đồng ruộng mà tôi lại cứ đâm vào. Nghĩ cho cùng, một phần là do mình không thi được. Phần khác, tôi thấy, chọn cho mình một hướng đi thích hợp và say mê với nó cũng là một cách để sống đấy chứ. Năm 2001, tôi được chọn là chủ trang trại trẻ tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2002, tôi cũng được ra Hà Nội dự đại hội các nhà doanh nghiệp trẻ toàn quốc. Tại đây, tôi thấy mình còn thiếu nhiều điều cần phải học. Tôi cũng sẽ đi học tiếp để bổ sung những kiến thức còn thiếu. Tôi xác định: học gì cũng được, nhưng phải là những kiến thức thiết thực phục vụ cho công việc của mình.
(truongthi.com.vn)
|