CHỌN NGÀNH NÀO ĐỂ CÓ NHIỀU CƠ HỘI TRÚNG TUYỂN? ( Phần 2)

  Công nghệ sinh học – ngành mũi nhọn của thế kỷ 21

 Ngành Công nghệ sinh học được tập trung đào tạo ở các trường: ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Bách Khoa, ĐH Nông Lâm, ĐH Mở bán công, ĐH DL Văn Lang (TP Hồ Chí Minh), ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang, ĐH Kỹ thuật thuộc ĐH Đà Nẵng, ĐH Thuỷ sản, ĐH Quốc gia Hà Nội…Hầu hết sinh viên tốt nghiệp đều nhận bằng cử nhân, riêng Bách khoa TP Hồ Chí Minh cấp bằng kỹ sư.

 Mới có mặt ở các trường trong những năm gần đây nhưng Công nghệ sinh học đã phát triển rất nhanh chóng và trở thành ngành học được lựa chọn nhiều nhất của các thí sinh dự thi khối B (sau Y Dược). Trong chiến lược phát triển các ngành cho nền kinh tế Việt Nam thế kỷ 21, Công nghệ sinh học được xem là ngành mũi nhọn. Ngành này tập trung vào các  trường khối công nghệ. Thí sinh dự thi khối A hoặc B (riêng Trường ĐH Bách Khoa TP chỉ thi khối A) nhưng nhiều năm qua, điểm chuẩn khối B thường cao hơn. Đây là ngành khó vào của thí sinh khối B.

Chương trình cụ thể và mục tiêu đào tạo ở các trường có nhiều nét khác biệt. Trường ĐH Khoa học tự nhiên trang bị cho sinh viên kiến thức trên 4 lĩnh vực: lý thuyết, ứng dụng, thực hành và kinh tế. Các chuyên ngành đào tạo: Sinh học phân tử và công nghệ di truyền, Công nghệ sinh học vi sinh vật và chế biến thực phẩm, công nghệ sinh học thực vật, công nghệ sinh vật động vật, công nghệ sinh học cổ điển. Kỹ sư Công nghệ sinh học Trường ĐH Bách khoa được trang bị các kiến thức cơ bản về sinh học và kiến thức sâu về kỹ thuật công nghiệp, có khả năng vận hành sản xuất, chọn lọc và phát triển công nghệ sinh học theo quy mô công nghiệp phù hợp với điều kiện Việt Nam. Có hai chuyên ngành đào tạo tại trường ĐH Bách Khoa: Công nghệ sinh học thực phẩm, công nghệ sinh học môi trường. Trường ĐH Nông Lâm đi sâu vào các vấn đề nông nghiệp nên đào tạo nhiều về các kiến thức như công nghệ lên men, công nghệ xử lý chất thải, công nghệ trong bảo quản chế biến, công nghệ sinh học chăn nuôi, thú y thuỷ sản, bảo vệ thực vật và môi trường nông nghiệp…Sau khi tốt nghiệp, các kỹ sư/cử nhân sẽ làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp chế biến thực phẩm, thuỷ sản, bảo vệ môi trường; các viện kiểm nghiệm, cơ quan nghiên cứu, cơ quan y tế , xí nghiệp dược…

Nếu thích thú với ngành học này, thí sinh có thể đăng ký dự thi vào các trường trên. Tuy nhiên tình hình tuyển sinh ở mỗi trường khác nhau và do năm nay thí sinh chỉ được đăng ký dự thi một trường nên cần phải xem xét thật kỹ trước khi quyết định để có nhiều khả năng trúng tuyển. Hệ số chọi và điểm chuẩn năm 2002 sẽ là những thông tin cần thiết giúp thí sinh có thêm cơ sở chọn lựa. Hệ số “chọi” tại một số trường tại Tp HCM: ĐH Bách Khoa 6 (434/70), ĐH Khoa học tự nhiên: 15,96 (2.394/150), ĐH Nông Lâm (khối A: 13,5; khối B: 19), ĐH Cần Thơ: 20; ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội (khối A: 22, B: 26); ĐH Thuỷ Sản Nha Trang: 13,5…

Chỉ tiêu dự kiến ngành Công nghệ sinh học ở một số trường tại TP HCM: ĐH bách Khoa: 70, ĐH Khoa học tự nhiên: 170, ĐH Nông Lâm: 100.

 Cơ khí, điện - điện tử: Nhu cầu ngày càng tăng

 Vài năm gần đây, cả 2 ngành học này thu hút đông đảo thí sinh đăng ký dự thi nên hệ số “chọi” và điểm chuẩn đều thuộc hàng “top ten” trong các trường kỹ thuật. Học các ngành này thí sinh sẽ dự thi khối A.

Những ngành này rất đa dạng, mỗi trường lại có những chuyên ngành đặc thù. Thí sinh cần biết mục tiêu đào tạo của các trường để lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp. sau đây là một số trường tại TP Hồ Chí Minh có đào tạo ngành học này:

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật: Với ngành Điện - Điện tử, trường sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức giảng dạy về kỹ thuật, thiết kế, điều hành sản xuất trong lĩnh vực kỹ thuật điện tử và điều khiển tự động điện tử. Trường có hai ngành cơ khí: Cơ khí chế tạo máy giúp sinh viên có khả năng thiết kế và điều hành sản xuất trong lĩnh vực gia công cơ khí kể cả những công nghệ mới như PLC, CNC…Cơ khí động lực giúp sinh viên gia trường có thể quản lý điều hành sản xuất trong lĩnh vực cơ khí ô tô máy kéo, máy nổ.

Trường ĐH Bách Khoa: Ngành cơ khí có nhiều chuyên ngành như: Kỹ thuật chế tạo (ngành này có đào tạo kỹ sư chất lượng cao), Cơ khí năng lượng, Cơ điện tử, Công nghệ dệt, Công nghệ may và thời trang, Công nghệ in nhuộm và hoàn tất. Mục tiêu đào tạo ra những kỹ sư có kiến thức và kỹ năng về gia công, chế tạo, chế biến sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Ngành Điện - Điện tử có các chuyên ngành Kỹ thuật điện, Điều khiển tự động, Điện tử viễn thông

Trường ĐH Nông Lâm: đào tạo 2 ngành cơ khí: Cơ khí nông lâm, Cơ khí bảo quản và chế biến lâm sản giúp các sinh viên ra trường có thể làm việc trong lĩnh vực cơ khí nói chung  và cơ khí phục vụ phát triển nông thôn.

Ngoài ra các ngành này còn có ở những trường như ĐH Giao thông vận tải, ĐH Hàng Hải, ĐH Nông nghiệp, Học viện Bưu chính viễn thông, Trường ĐH Kỹ thuật của các trường ĐH Quốc gia, ĐH vùng như Đà Nẵng, Cần Thơ, Thái Nguyên…

Hệ số chọi và điểm chuẩn năm 2002 của các ngành này ở một số trường như sau: Sư phạm Kỹ thuật TP HCM: Điện - Điện tử: 23,3 (4.058/70), 15; Cơ khí chế tạo máy: 20 (3,250/160), 14; Cơ khí động lực: 8,2 (1.321/160), 12. Trường ĐH Bách Khoa TP HCM: Điện - Điện tử: 13,3 (8.001/600), 20; Cơ khí: 11,7 (3.653/310), 17,5. Trường ĐH Nông Lâm TP HCM: Cơ khí bảo quản chế biến nông sản thực phẩm: 2,55 (204/80), 10; Cơ khí nông lâm: 4,3 (302/70), 10. Điện tử viễn thông (Trường ĐH Giao Thông vận tải TP HCM): 14. Trường ĐH Thái Nguyên: 10…

Chỉ tiêu dự kiến năm 2003 của hai ngành học này của một số trường như sau: Trường ĐH Bách Khoa TP HCM: Điện - Điện tử: 600, Cơ khí: 260. Trường ĐH Nông Lâm: Cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm: 80, Cơ khí nông lâm: 70 ….

 Khối ngành Kiến trúc, Xây dựng, Giao thông

 Khối ngành này phát triển mạnh và có mặt lâu đời ở các trường ĐH Bách Khoa, Kiến trúc, Xây dựng, Giao thông vận tải. Một số trường ĐH Dân lập như Kỹ thuật công nghệ, Văn Lang, Tôn Đức Thắng…cũng xem đây là một trong những ngành quan trọng của trường. Theo đánh giá của nhiều người, đây là những ngành học luôn luôn có một vị trí nhất định vì xã hội lúc nào cũng có nhu cầu. Thí sinh dự thi khối A (Xây dựng, Giao thông) và khối V (Kiến trúc).

Mục tiêu của ngành Xây dựng là đào tạo ra những kỹ sư xây dựng các công trình kỹ thuật, kỹ sư trắc địa, kỹ sư vật liệu và cấu kiện xây dựng có chuyên môn vững, có khả năng tiếp cận với công nghệ mới. Các chuyên ngành đào tạo không khác nhau lắm ở nhiều trường với những ngành như: Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng cầu đường, Xây dựng cảng – công trình biển, Xây dựng thuỷ lợi, thuỷ điện và cấp thoát nước, Trắc địa - bản đồ, Vật liệu và cấu kiện xây dựng…Tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các viện nghiên cứu thiết kế, các Sở Giao thông Công chánh, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Địa chính, các công ty nhà máy vật liệu xây dựng, ban quản lý công trình, khu công nghiệp, khu chế xuất…Một số chuyên ngành Giao thông vận tải lại đào tạo sinh viên thành các kỹ sư thiết kế, bảo trì…Chẳng hạn khoa Kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh đi chuyên vào các lĩnh vực như ô tô, tàu thuỷ, hàng không. Mục tiêu đào tạo ra cán bộ có khả năng thiết kế, tính toán, tổ chức và điều hành tốt các hệ thống sản xuất ô tô, tàu thuỷ, máy bay, máy động lực. Sinh viên ra trường có thể làm việc tại các cơ quan quản lý điều hành, kiểm định chất lượng của các nhà máy chế tạo, lắp ráp, bảo dưỡng, sửa chữa các loại ô tô, máy bay, tàu thuỷ, máy động lực… Các trường Kiến trúc hiện cũng có nhiều ngành học để thí sinh lựa chọn như Kiến trúc công trình, Kiến trúc quy hoạch đô thị, Mỹ thuật công nghiệp, Kỹ thuật hạ tầng đô thị, Xây dựng dân dụng và công nghiệp…

Rõ ràng, khi muốn học ngành này, thí sinh có nhiều trường để lựa chọn. Tuy nhiên ở mỗi trường, tình hình sinh viên và quá trình đào tạo cũng khác nhau. Dựa vào hệ số chọi và điểm chuẩn, các thí sinh có thể quyết định cho mình một địa chỉ phù hợp, có nhiều khả năng trúng tuyển. Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh: Xây dựng: 13,7 (4.113/300), 20; Kỹ thuật giao thông: 4,6 (838/180), 15. Điểm chuẩn của trường ĐH Giao Thông vận tải Hà Nội: 19,5, cơ sở 2: 11. Trường ĐH Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh: Xây dựng cầu đường: 16,5. Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội điểm chuẩn từ 18,5 đến 23. Trường ĐH Xây dựng Hà Nội: khối Công trình: 20. Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh: Mỹ thuật Công nghiệp: 22; Kiến trúc: 17; Quy hoạch đô thị: 15,5; Xây dựng dân dụng công nghiệp: 14,5; Kỹ thuật hạ tầng đô thị: 12...Năm 2003, Trường ĐH Bách Khoa TP HCM dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh hai ngành này như sau: Xây dựng: 300, Kỹ thuật giao thông: 150.


Các tin khác
 Chỉ tiêu tuyển sinh các trường ĐH  (22/02/03)
 Vẫn còn “dùng dằng” các nguyện vọng  (22/02/03)
 Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2003: Tuyển mới 197.600 chỉ tiêu đại học  (19/02/03)
 Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2003 của một số ĐH  (19/02/03)
 ÐH Y - dược Cần Thơ: tuyển 200 SV chính qui  (19/02/03)
 Xem xét tiếp 3 phương án xét tuyển ĐH, CĐ 2003  (19/02/03)
 12 trường quân đội tuyển 2.360 chỉ tiêu dân sự  (18/02/03)
 CHỌN NGÀNH NÀO ĐỂ CÓ NHIỀU CƠ HỘI TRÚNG TUYỂN? ( Phần 3)  (17/02/03)
 CHỌN NGÀNH NÀO ĐỂ CÓ NHIỀU CƠ HỘI TRÚNG TUYỂN? ( Phần 2)  (17/02/03)
 CHỌN NGÀNH NÀO ĐỂ CÓ NHIỀU CƠ HỘI TRÚNG TUYỂN? ( Phần 1 )  (17/02/03)
 Lấy ý kiến rộng rãi trước khi in sách giáo khoa mới. Tuyển sinh ÐH 2003: đăng ký NV2 sau khi biết điểm VN1  (17/02/03)
 Năm 2003, tất cả các trường cao đẳng không tổ chức thi tuyển?  (12/02/03)
 Bộ GD&ĐT ủng hộ các trường CĐ xét tuyển sinh  (11/02/03)
 Chưa thể phát hành sách hướng dẫn tuyển sinh ĐH  (11/02/03)
 KHỞI ĐỘNG MÙA TUYỂN SINH ĐH, CĐ 2003  (10/02/03)
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 ...
Sản phẩm được hợp tác giữa VASC & TMC, liên hệ: e-School Webmaster.
99 Trieu Viet Vuong - 18 Nguyễn Chí Thanh, Hanoi, Vietnam. Tel: 84-4-9782235, Fax: 84-4-9780636