Những điểm mới trong tuyển sinh 2003
- Kỳ thi tuyển sinh năm 2003 sẽ có ba đợt thi:
Đợt 1: ngày 4,5 - 7 dành cho khối A, B
Đợt 2: ngày 9,10 – 7 dành cho khối C, D
Đợt 3: ngày 16, 19 – 7 dành riêng cho các trường CĐ
- Ngoài hai cụm thi Vinh và Cần Thơ, năm nay sẽ có thêm cụm thi tại Quy Nhơn.
- Về đề thi, Bộ GD – ĐT sẽ tiếp tục ra theo phương pháp tự luận, nội dung đề cơ bản như năm 2002, sẽ điều chỉnh để không quá dài, không có câu hỏi học thuộc và nội dung kiến thức giới hạn trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12.
- Bộ GD – ĐT cũng quyết định sẽ xác định điểm sàn chung cho bốn khối A, B, C, D kèm theo lưu ý sẽ “chú ý đến các trường đóng trong vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các trường và ngành đặc thù”. Các trường chủ động xác định điểm trúng tuyển theo khối thi hoặc ngành học, điểm trúng tuyển phải cao hơn điểm sàn.
- Mỗi thí sinh (TS) có hai nguyện vọng (NV), NV 1 vào trường dự thi, NV này ghi ngay trong phiếu đăng ký dự thi. NV 2 là NV xét tuyển sau khi TS đã không trúng tuyển vào trường dự thi và có kết quả bằng hoặc cao hơn điểm sàn. TS được nộp một hồ sơ xét tuyển vào một trường ĐH hoặc CĐ có chỉ tiêu xét tuyển qua đường bưu điện.
- Bộ GD – ĐT cơ bản vẫn giữ nguyên chế độ ưu tiên đối với TS diện chính sách, tuyển thẳng học sinh đoạt giải các kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia và cộng điểm cho HS tốt nghiệp THPT loại giỏi nhưng sẽ điều chỉnh ở mức độ phù hợp. Quy định chi tiết sẽ được bộ thông báo chính thức trước khi TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi.
Kinh tế - Kỹ thuật vẫn đông thí sinh
Theo số liệu thống kê của Bộ GD – ĐT, năm 2002 cả nước có 1.179.018 lượt thí sinh (TS) đăng ký dự thi (ĐKDT) theo nguyện vọng (NV) 1 vào các trường ĐH trong toàn quốc, có 952.099 lượt TS đăng ký NV 2 và 822.397 TS đăng ký NV 3. Trong đó, khối A chiếm số lượng TS ĐKDT cao nhất (591.329 lượt), tiếp theo là khối C (242.726), khối B (160.768), khối D (116.539)…
Đây là năm đầu tiên TS thi chung một đợt, một đề và bắt đầu thực hiện phương án đăng ký theo NV, nên những biến động về việc chọn trường cũng đã diễn ra theo nhiều phương hướng khác nhau. Một số trường thuộc nhóm ngành kinh tế - kỹ thuật vẫn có lượng TS ĐKDT cao hơn cả năm 2001 như ĐH Kinh tế TP HCM hơn 40.000, các trường ĐH Kinh tế Quốc dân (hơn 30.000), ĐH Bách Khoa HN (gần 30.000), ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP HCM) gần 29.000 lượt…Trong khi đó các trường ĐH Sư phạm vẫn tiếp tục chứng tỏ vị trí của mình: Hầu hết các trường đều có lượng TS ĐKDT nằm ở mức 20.000 TS trở lên. Trong đó, chiếm ưu thế vẫn là ĐH Sư phạm Thái Nguyên có hơn 37.000, ĐH Sư phạm Hà Nội hơn 30.000, ĐH Sư phạm TP HCM hơn 29.000, ĐH Sư phạm Quy Nhơn hơn 24.000, ĐH Sư phạm Đà Nẵng hơn 22.000…
Các trường thuộc nhóm khoa học xã hội cũng có số TS ĐKDT khá ổn định như ĐH khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) hơn 19.000, ĐH Văn Hoá Hà Nội hơn 14.000, ĐH KHXH & NV (ĐH Quốc gia TP HCM) hơn 18.000…Trong số các ĐH vùng, ĐH Cần Thơ chiếm lượng TS đăng ký dự thi cao nhất (hơn 57.000), tiếp theo là ĐH Vinh (hơn 42.000) – hai cụm thi mới của năm 2002. Riêng các trường ĐH dân lập tổ chức thi tuyển đều có khối lượng TS ĐKDT thấp, cao nhất như ĐH Dân lập kĩ thuật công nghệ TP HCM chỉ có hơn 6000 TS ĐKDT, tiếp theo là các trường ĐH Dân lập công nghệ Tôn Đức Thắng TP HCM (hơn 5000), ĐH Dân lập ngoại ngữ - tin học TP HCM (hơn 3000), ĐH Dân lập Thăng Long Hà Nội và ĐH DL Lạc Hồng cùng có hơn 2000 TS ĐKDT…
Chọn ngành theo điểm chuẩn?
Trong số những dữ liệu tham khảo, điểm chuẩn (ĐC) được xem là thông số quan trọng để bạn chọn lựa ngành dự thi cho mình ở năm 2003 bởi vì có nhiều ngành học có lượng TS ĐKDT lẫn dự thi không đông, nhưng không phải vì vậy mà ĐC sẽ thấp đi. Hãy thử hình dung ngành Công nghệ thông tin của Bách Khoa (ĐH Quốc Gia TP HCM) chỉ có 3019 TS ĐKDT nhưng có điểm chuẩn là 21,5 điểm – 1 điểm số được coi là cao của kỳ thi tuyển sinh 2002. Ngành Báo chí (ĐH KHXH & NV, ĐH QG TPHCM) có 2047 TS nhưng điểm chuẩn lại nằm ở mức cao của cả hai khối C: 19.5 điểm và D1 là 18,5 điểm. TS phần lớn khi lựa chọn vào các ngành này đã biết lượng sức học của mình để ĐKDT và đều là những TS có học lực từ khá trở lên.
Tương tự, các ngành khoa học môi trường (điểm chuẩn 23), Công nghệ sinh học (ĐC 23), đều là những ngành có điểm chuẩn cao của ĐH KH Tự nhiên (ĐH QG TP HCM) nhưng lượng TS ĐKDT chỉ nằm ở mức dao động từ 2100 đến 2200 TS. Đặc biệt, trường ĐH Y Dược TP HCM đã làm nên “cơn sốt” về ĐC trong năm 2002 khi hầu hết các ngành đều có mức ĐC nằm ở “top ten” như ngành bác sĩ đa khoa 26 điểm, bác sĩ răng – hàm - mặt và dược sỹ ĐH 25 điểm. Thậm chí ngành có ĐC thấp nhất cũng nằm ở mức 21 điểm như hai ngành CN Y tế công công và CN kỹ thuật hình ảnh.
Một trường ĐH khác, tuy ĐC được tính nhân hệ số hai cho các ngành chỉ thi một khối là ĐH Sư phạm TP HCM, nhưng ĐC được đưa ra cũng cho thấy việc lọt vào “cánh cửa sư phạm” không phải dễ do có lượng TS ĐKDT đông, trong khi chỉ tiêu tuyển lại ít. Ngành toán có 4520 TS ĐKDT nhưng chỉ tiêu chỉ có 90 nên ĐC đã vọt lên mức 29 điểm, với ĐC hệ số 2 cho môn toán, bình quân mỗi môn thi TS phải đạt ít nhất 7,25 điểm. Ngành hoá học có 2341 TS ĐKDT, chỉ tiêu vẻn vẹn 95 khiến cho tỉ lệ chọi lên đến 1/24,6 và ĐC hệ số 2 là 28 điểm.
Trong khi đó nhìn vào ĐC tuyển sinh 2002 của trường ĐH Kinh tế Tp HCM, nhiều người có thể cho rằng ở mức thấp vì như hai ngành thống kê toán – tin học và kinh tế chính trị chỉ có 15 điểm, ngành có ĐC cao nhất là kế toán và kiểm toán cũng chỉ 19 điểm. Nhưng thực ra đây lại là mức ĐC cao, vì môn toán nhân hệ số hai quyết định đến 50% khả năng trúng tuyển vào trường này của TS hay không. Mặt khác cho thấy việc vào ĐH Kinh tế là chuyện khó khi mà ngành quản trị kinh doanh 14.000 TS lấy 1000 TS, hay hơn 13.000 TS ĐKDT chỉ lấy 1200 người ở ngành tài chính - tiền tệ và tín dụng. Những con số ĐKDT lên đến hàng chục ngàn đã khiến cho việc xác định tỉ lệ chọi ở ĐH Kinh tế TP HCM hầu như không mấy có ý nghĩa.
|