Giải bài toán nguyện vọng thi - Bộ định điểm sàn, thí sinh càng khó

 
Còn nhớ tại kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2002, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nhung khẳng định: “Quyền lợi của thí sinh luôn được đảm bảo. Thí sinh tuy chỉ thi một lần nhưng vẫn có tới 3 cơ hội để đỗ”. Tuy nhiên, theo Dự thảo quy chế tuyển sinh hệ chính quy vào các trường ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT năm 2003 thì quyền lợi này chỉ còn là được đăng kí thi một trường và nếu trượt mới được đăng kí xét tuyển cũng chỉ một trường khác.

 Việc đăng kí xét tuyển sau thi có tên gọi là nguyện vọng tự do. Bộ hoàn toàn nhường quyền tự chủ cho các trường trong việc định phần trăm gọi bao nhiêu chỉ tiêu cho nguyện vọng tự do.

Mô hình xét tuyển 3 tốp + 3 đợt + NVn

Theo tính toán của Trung tâm công nghệ thông tin Bộ GD&ĐT, sẽ tổ chức mô hình xét tuyển theo 3 tốp + 3 đợt + NVn (nguyện vọng tự do). Ở tốp 1 gồm các trường có tổ chức thi và có chất lượng thí sinh cao, nên sẽ tuyển NV1 với tỉ lệ 100% ngay đợt 1. Số thí sinh trượt tốp 1 (có điểm lớn hơn hoặc bằng điểm sàn nhưng nhỏ hơn điểm tuyển nên bị gạt ra) được chuyển sang xét tuyển bổ sung tự do ở các trường tốp 2 và tốp 3, trong các đợt tuyển 2 và tuyển 3. Trường thí sinh đã dự thi sẽ cấp giấy chứng nhận điểm cho số thí sinh này để họ xin xét tuyển ở trường khác. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nhung, sẽ chỉ có một điểm sàn chung trên toàn quốc cho 4 khối A, B, C, D và điểm sàn này là điểm cân bằng giữa tình và lý và đảm bảo cho các thí sinh ở các vùng khác nhau đều có cơ hội vào đại học.

Ở tốp 2, các trường có tổ chức thi song điểm tuyển thấp, xấp xỉ điểm sàn. Các trường tốp 2 trong đợt 1 chỉ tuyển lấy những thí sinh điểm cao, hình thành điểm tuyển đợt 1 (ĐT1). Cao bao nhiêu do trường tự quyết định sau khi tham khảo các trường tốp 1. Tiếp theo, họ công bố trường đã tuyển đợt 1 được N1 thí sinh với ĐT1, còn thiếu N2 thí sinh so với chỉ tiêu. Thí sinh trượt tốp 1 trong đợt 1 sẽ đem đơn xin xét tuyển đến các trường tốp 2 này.

Tốp 3, gồm các trường không tổ chức thi hoặc có tổ chức thi song phổ điểm quá xấu, nếu có tuyển NV1 thì cũng chỉ đạt 5-10%. Lúc đó các thí sinh không đỗ các trường tốp 1, tốp 2 song điểm vẫn đủ cao trên điểm sàn xét tuyển.

Tuy nhiên, có thể điều chỉnh hạ điểm sàn để tuyển cho đủ, mức điểm sàn lần 2 cần được bộ phê duyệt song không được thấp quá.

Cơ hội nào cho thí sinh?

Theo phán đoán của Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin Quách Tuấn Ngọc về phương án mới này thì “các trường sướng và bộ cũng sướng”. Nhưng đối với thí sinh thì đây chỉ là một lần thi với cơ hội đỗ mong manh. Bài toán nguyện vọng của kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2002 với một loạt các điều kiện cần và đủ theo sự tính toán rất khoa học của những người xây dựng đề án như: quy định bắt buộc các trường phải dành ít nhất 20% chỉ tiêu xét tuyển các NV2, 3; quy định điểm bắt buộc chênh nhau giữa các NV1, 2, 3 phải là 1 điểm.... khi đưa vào thực hiện đã tạo nên một cục diện vô cùng rối ren và phải... bỏ ngỏ. Năm 2003, để giải quyết cục diện vô cùng rối ren này, điều khiện cần và đủ cho bài toán nguyện vọng đã trở nên khá đơn giản, bộ quyết định điểm sàn. Các trường căn cứ trên điểm sàn để định điểm chuẩn trên nguyên tắc không được thấp hơn điểm sàn. Theo tính toán của Trung tâm công nghệ thông tin thì điểm sàn tuyển sinh của các trường ĐH năm 2002 là 13 điểm. Tuy nhiên, chỉ các các trường ĐH dân lập và một số ít trường ĐH, CĐ có mức điểm tuyển dưới 13 điểm này, còn phần lớn các trường ĐH đều tuyển cao hơn mức sàn, thậm chí có trường cao hơn từ 9 – 12 điểm. Do đó, năm 2003, mức điểm sàn cũng sẽ tương đương hoặc cao hơn năm 2002, khả năng thấp hơn là rất ít.

Một điểm dễ nhận thấy là mức điểm sàn này hầu như không gây ảnh hưởng gì mấy đến việc định điểm chuẩn cho các trường và các trường đều tuyển được đủ chỉ tiêu. Đã có 169.571 sinh viên trúng tuyển trên 168.000 chỉ tiêu được tuyển. Bộ định điểm sàn cho các trường để các trường làm căn cứ tuyển, với mức điểm sàn này, nếu trường nào tuyển không đủ chỉ tiêu từ thí sinh dự thi vào trường mình thì mới cần xét tuyển  đến nguyện vọng tự do của thí sinh. Đó cũng là cách mà bộ tạo ra cơ hội cho thí sinh. Tuy nhiên, rõ ràng đó chỉ là cơ hội vô cùng mong manh và có vẻ không thực. Bên cạnh các trường thừa sức tuyển đủ chỉ tiêu thí sinh dự thi vào trường mình thì như năm 2002, mặc dù có quy định “cứng” của bộ buộc dành chỉ tiêu cho NV2, 3, các trường còn chẳng mặn mà gì, huống hồ năm nay, các trường được hoàn toàn tự chủ về vấn đề này. Cùng đó, năm 2002 thí sinh có NV2, 3 các trường vẫn nắm được thông tin, dù ít dù nhiều, còn như năm nay, bó gối ngồi đợi là cách duy nhất của những trường xét tuyển nguyện vọng tự do. Như vậy có thể thấy, nguyện vọng tự do của thí sinh sẽ chen chân vào đâu?

(Theo Thời báo Kinh tế Việt nam )


Các tin khác
 Bộ GD&ĐT ủng hộ các trường CĐ xét tuyển sinh  (11/02/03)
 Chưa thể phát hành sách hướng dẫn tuyển sinh ĐH  (11/02/03)
 KHỞI ĐỘNG MÙA TUYỂN SINH ĐH, CĐ 2003  (10/02/03)
 Thành lập ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2003  (07/02/03)
 Ðại học Quốc gia Hà Nội nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học  (23/01/03)
 Tuyển sinh ĐH, CĐ, THCN 2003: Tăng quy mô lên 381.498 HSSV  (23/01/03)
 Tuyển 75.500 sinh viên ĐH, CĐ chính quy năm 2003  (20/01/03)
 Năm 2003 mỗi thí sinh chỉ được xét tuyển vào 1 ĐH  (10/01/03)
 Đề thi ĐH, CĐ 2003 không có câu học thuộc  (10/01/03)
 Giải bài toán nguyện vọng thi - Bộ định điểm sàn, thí sinh càng khó  (30/12/02)
 Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2003: Giữ phương án "ba chung"  (23/12/02)
 Đề thi ĐH, CĐ năm 2003 chỉ giới hạn trong chương trình lớp 12  (23/12/02)
 NĂM 2003 PHỔ CẬP INTERNET BẬC HỌC TRUNG HỌC PHỔ THÔNG  (20/12/02)
 Hà Nội thực hiện miễn tất cả các khoản thu ngoài học phí cho học sinh nghèo  (16/12/02)
 Học sinh bổ túc THCS phải học bảy môn bắt buộc  (12/12/02)
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 ...
Sản phẩm được hợp tác giữa VASC & TMC, liên hệ: e-School Webmaster.
99 Trieu Viet Vuong - 18 Nguyễn Chí Thanh, Hanoi, Vietnam. Tel: 84-4-9782235, Fax: 84-4-9780636