Quy mô tuyển sinh sẽ tăng lên và được ưu tiên phân bổ chỉ tiêu cho các trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc và Tây Bắc, hai đại học Quốc gia, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên và các trường ĐH trọng điểm. Chỉ tiêu cử tuyển và chỉ tiêu dự bị ĐH sẽ tăng lên đáng kể. Sẽ có 3 cụm thi tại các trường đại học: Vinh, Cần Thơ và Quy Nhơn, nhưng các trường có thí sinh dự thi chỉ phải cử đại diện vào cùng Thanh tra Bộ GD&ĐT để phối hợp giám sát, sau đó nhận bài thi của thí sinh để chấm, thay vì cử cán bộ vào coi thi như năm trước.
Về xử lý kết quả thi và xét tuyển, Bộ GD&ĐT sẽ xác định điểm sàn chung cho các khối thi A, B, C, D (có chú ý đến các trường đóng trong vùng dân tộc ít người, trong vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, các trường và các ngành đặc thù); các trường chủ động xác định điểm trúng tuyển phải cao hơn sàn. Thí sinh có hai nguyện vọng: nguyện vọng 1 vào trường đã dự thi (được ghi ngay trong phiếu đăng ký dự thi); nguyện vọng 2 được xét nếu thí sinh không trúng tuyển vào trường đã dự thi và có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn. Thí sinh được nộp hồ sơ xét tuyển vào một trường đại học hoặc cao đẳng có chỉ tiêu. Mọi thí sinh chỉ được xét tuyển vào một trường và hồ sơ phải gửi qua đường bưu điện.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, sẽ cơ bản giữ nguyên chế độ ưu tiên đối với thí sinh diện chính sách, tuyển thẳng học sinh được giải các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và cộng điểm cho học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi nhưng sẽ điều chỉnh ở mức độ phù hợp. Quy định chi tiết sẽ được Bộ thông báo chính thức trước khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi.
(Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ)
|