Trong khi đó, có một thực trạng là phần lớn thí sinh dự thi (đặc biệt các thí sinh vùng sâu vùng xa) hầu như không hiểu biết gì về ngành nghề mình đăng ký dự thi. Thực tế trong các kỳ thi trước, nhất là kỳ thi năm 2002 cho thấy có rất nhiều thí sinh bị trượt dù điểm cao hơn một số thí sinh trúng tuyển bởi đã đăng ký thi vào những ngành điểm chuẩn quá cao. Năm nay thí sinh càng phải suy nghĩ cẩn thận hơn trước khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi vì cơ hội chỉ có một và không thể sửa sai được. Nhằm giúp thí sinh có thêm thông tin, tăng thêm cơ hội trúng tuyển chúng tôi sẽ thông tin về các ngành đào tạo đang thu hút sự quan tâm của thí sinh. Ở mỗi ngành, thí sinh sẽ biết được mục tiêu đào tạo, việc làm sau khi tốt nghiệp, điểm chuẩn và tình hình tuyển sinh trong năm qua, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2003...Mở đầu là ngành Công nghệ thông tin.
Công nghệ thông tin: ngành của thí sinh giỏi
Nói như thế vì ở nhiều trường ĐH, công nghệ thông tin được xem là ngành số 1. Hằng năm hệ số chọi (tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi/chỉ tiêu) của ngành này luôn ở mức cao và điểm chuẩn trúng tuyển cũng thường ở tốp đầu. Nhiều thí sinh không biết nên đăng ký nguyện vọng 2, 3 vào công nghệ thông tin. Như thế là đánh mất cơ hội vì nếu đã không trúng tuyển NV 1 vào các ngành khác thì không bao giờ có cơ hội được xét nguyện vọng 2, 3 vào ngành này. Vào ngành này thí sinh sẽ dự thi khối A.
Học những gì? Ra làm gì?
Ngành học này cung cấp các kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin nói chung và kỹ thuật máy tính nói riêng. Ở các trường chuyên ngành, sinh viên còn được đào tạo những mảng kiến thức tin học liên quan đến ngành nghề. Ngành học này có ở hầu hết các trường ĐH khoa học kỹ thuật, công nghệ và tự nhiên, từ công lập, bán công và cả dân lập. Tuy nhiên, 2 trường thu hút nhiều thí sinh đăng ký dự thi là trường ĐH Bách Khoa và ĐH Khoa học tự nhiên. Trường Bách khoa đào tạo theo ngành rộng, sinh viên theo học cùng một chương trình đào tạo duy nhất. Trong học kỳ cuối cùng, khi làm luận văn tốt nghiệp sinh viên có thể theo một trong năm hướng chuyên môn: công nghệ phần mềm, xử lý song song và các hệ thống mạng phân bố, kỹ thuật máy tính và thiết kế mạch. Trường ĐH Khoa học tự nhiên có vẻ thiên về phần mềm với các chuyên ngành: hệ thống thông tin, công nghệ phần mềm, công nghệ tri thức, mạng máy tính và viễn thông.
Kỹ sư, cử nhân công nghệ thông tin có thể làm việc ở bất kỳ đơn vị nào cần sử dụng đến máy tính, đặc biệt là trong hàng không, ngân hàng, bưu điện, quốc phòng, các công ty phát triển và thiết kế phần mềm, giảng dạy các trường, trung tâm...
Bao nhiêu cơ hội trúng tuyển?
Năm 2002, hệ số chọi ngành này ở một số trường tại TP HCM như sau: Trường ĐH Bách khoa: 10,5 (3.171/300), Trường ĐH Khoa học tự nhiên: 13,67 (6.154/450), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật: 17,5 (2285/130)... Ở các trường khác, Hệ số này cũng khá cao. Điểm chuẩn các trường khu vực TP HCM: Trường ĐH Giao thông vận tải: 13, Trường ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Sư phạm: 19, Trường ĐH Bách Khoa: 21,5; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật: 15, trường ĐH Kinh tế: 17, Trường ĐH Nông Lâm: 10,5; Trường ĐH Cần Thơ: 16; Trường ĐH Đà Lạt: 14,5; ĐH Quốc gia Hà Nội: 22... Đây là điểm chuẩn của nguyện vọng 1, giữa các nguyện vọng cách nhau từ 1 đến 2 điểm. Nếu các năm trước điểm chuẩn thường chỉ có tính chất tham khảo cho kỳ thi kế tiếp thì điểm chuẩn năm 2002 rất đáng để các thí sinh lưu ý vì đây là năm thi đề chung toàn quốc nên có sự phân hoá rõ rệt giữa các trường.
Năm 2003, một số trường đã có chỉ tiêu cho ngành này: Trường ĐH Bách Khoa TP HCM: 300, trường ĐH Khoa học tự nhiên: 480.
|