Phần lý thuyết đòi hỏi học sinh phải hiểu bài mới có thể làm được hoàn toàn. Giữa đề 1 và đề 2, mức độ khó khác nhau: Đề 1 đòi hỏi học sinh phải thuộc, nhớ nhiều trong khi đề 2 phải suy luận nhiều. Phần toán có mức độ trung bình, học sinh trung bình có thể làm được 75%. Bài toán Vật lý hạt nhân hơi khó đối với các học sinh theo khối C, D. Đề thi hơi dài, dù học sinh giỏi cũng khó lắm mới đạt điểm tối đa (vì không đủ thời gian). Tóm lại, đề thi đòi hỏi học sinh phải đổi mới cách học, nắm bắt được toàn bộ chương trình, hiểu rõ và giải thích được hiện tượng; không thể học thuộc lòng từng câu, từng chữ trong sách giáo khoa
(Thầy Lý Vĩnh Bê - Trưởng khoa Lý Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh)
* Môn Văn: Hay, giúp học sinh định hướng cách học sáng tạo
Đề thi môn Văn năm nay nhìn chung hay, vừa sức học sinh. Đề thi kiểm tra được kiến thức cơ bản lớp 12 đồng thời phát huy được khả năng tư duy, suy nghĩ riêng của học sinh. Trong 2 đề, đề 2 hay hơn nhưng cũng khó hơn: câu hỏi yêu cầu học sinh phải suy nghĩ sáng tạo (Từ hoàn cảnh ra đời bài thơ Việt Bắc giúp người đọc hiểu sâu hơn tác phẩm hay cảm nhận về hình tượng cây xà nu). Học sinh trung bình sẽ chọn đề 1, học sinh khá giỏi mới dám chọn đề 2. Cách ra đề năm nay giúp cho học sinh định hướng được cách học, tránh tình trạng chỉ thuộc lòng, khi làm bài không chỉ là sự tái diễn kiến thức mà phải phát huy năng lực cảm thụ và sáng tạo.
(Cô Trần Thúy Liễu-Giáo viên Trường CĐ Sư phạm TP HCM)
* Môn Địa lý: Đề khá, bao quát chương trình, phù hợp với trình độ phần lớn học sinh
Học sinh phải phát huy được kỹ năng thực hành địa lý: đọc bản đồ (phần tự chọn đề 1, câu 1); đọc bản đồ kết hợp với kiến thức đã học trong chương trình (câu 2, đề 1); kỹ năng vẽ biểu đồ (phần bắt buộc câu 1); kỹ năng tính toán số liệu; kỹ năng phân tích số liệu, giải thích và rút ra kết luận về số liệu. Ngoài ra, đề thi còn có câu hỏi dành cho học sinh không có điều kiện sử dụng Atlat (đề 2, phần tự chọn). Qua nội dung của đề thi, có thể nói đây là một đề thi phù hợp với phần lớn học sinh có học lực trung bình; có các phần để chọn lọc học sinh trình độ cao hơn: tính toán số liệu, phân tích, giải thích và rút ra kết luận về số liệu. Tuy nhiên, nội dung đề phần lớn tập trung về nông nghiệp.
(Cô Châu Thị Nguyệt - Tổ trưởng Tổ Địa
Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong,HCM ) .
* Môn Lịch sử: Hạn chế tình trạng học vẹt, đề hay, nằm trong chương trình.
Nhìn chung, đề thi vừa sức học sinh và các em làm kịp giờ. Đề I, phần Lịch sử Việt Nam có dạng mới, đòi hỏi học sinh phải học kỹ và chuẩn xác mới làm được. Phần Lịch sử thế giới (chung cả 2 đề), câu 2 cũng đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tổng hợp mới phân tích được. Đề II, phần Lịch sử Việt Nam, câu 2 cách đặt vấn đề rất độc đáo, đòi hỏi học sinh phải tư duy và nắm vững kiến thức mới giải quyết trọn vẹn. Với đề thi này, chỉ những học sinh học hành chăm chỉ, nắm vững kiến thức, tư duy sáng tạo... mới đạt điểm tối đa. Tuy nhiên, cũng xin góp ý: Một khi đã cho học sinh chọn một trong 2 đề thì phần Lịch sử thế giới cũng nên khác biệt để học sinh rộng đường lựa chọn. Đề I có câu 3 rất hay thì đề II cũng nên có câu với dạng tương ứng để tránh tình trạng học sinh né đề I.
(Thầy Đoàn Văn Đạo-giáo viên Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong TP HCM)
(Theo TN)
|