Một số lỗi thí sinh thường mắc phải khi làm bài thi môn Toán
Trình bày rõ ràng để đạt điểm tối đa! Không nhận dạng được rõ ràng cách giải đề bài. Mỗi đề bài thường có nhiều cách giải khác nhau. Không phải thí sinh nào cũng nắm vững được hết. Nhiều thí sinh chọn cho mình cách giải phức tạp quá nên rất dễ bị giải nhầm, giải sai. Mỗi thí sinh nên chọn lựa cho mình cách giải phù hợp nhất, ngắn gọn nhất và dễ làm nhất.
Thủ thuật giải sai. Nhiều thí sinh sau khi nhận biết được đề tài, tìm ra được cách giải nhưng lại sử dụng những thủ thuật quá cầu kỳ khiến cho bài làm rơi vào tình trạng rắc rối, vòng vo. Trong khi đó, tâm lý của những người chấm thường rất thích các bài sử dụng những thuật toán đơn giản, gọn gàng, dễ hiểu.
Kỹ năng tính toán. đối với những thí sinh có học lực trung bình thì đây là điểm yếu lớn nhất. Còn những thí sinh thuộc dạng học lực khá, giỏi thì tuy khá thành thục về kỹ năng tính toán nhưng đôi khi do tâm lý căng thẳng, yếu tố ngoại cảnh tác động nên dễ dẫn đến tính nhầm bước, nhầm kết quả. Nắm vững cách làm, dùng đúng thuật toán đấy nhưng lại sai kết quả nên bị trừ khá nhiều điểm. Biện pháp chủ yếu để nâng cao kỹ năng tính toán là rèn luyện và thường xuyên thực hành các dạng bài toán mẫu.
Cách trình bày, diễn giải để giành điểm thưởng, điểm tối đa. Đa phần, thí sinh chỉ chú trọng vào việc giải toán mà không để ý đến cách trình bày bài thi, không nêu luận cứ, luận chứng xuất phát cho các bước giải. Đôi khi lại quên đưa ra những điều kiện, định lý, định nghĩa.
Tiến sĩ Nguyễn Phú Cường
(Thầy giáo dạy Toán trên VTV2
Hiệu trưởng trường THPT Bán công chuyên ngữ Lômônôxốp)
Cách chấm bài thi môn Văn học
80% điểm cho nội dung, 20% cho cách hành văn! Những đề thi môn Văn thường ra rất cơ bản, bám sát chương trình học và không quá khó, không đánh đố thí sinh. Nhưng điểm thi thì thường thấp nhất trong các môn thi. Điều này do thí sinh không nhận thức được đề bài, trình bày lủng củng, không viết đúng thể loại mà đề bài yêu cầu và không có kiến thức chuyên sâu.
Đề bài yêu cầu bình giảng một bài thơ, một đoạn văn thì đa phần lại đi sâu phân tích, bình luận... Nhiều thí sinh đi vào phân tích giọng điệu bi tráng, cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến mà lại không nắm được khái niệm về giọng điệu bi tráng, về cảm hứng lãng mạn...
Bài thi Văn học cũng có hệ thống khung điểm rõ ràng, rành mạch như các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh... Để giành được điểm cao, bài thi cần nêu đầy đủ các ý, bố cục mạch lạc, rõ ràng, ngôn từ nhuần nhuyễn.
Tiến sĩ ngữ văn Chu Văn Sơn
(Khoa ngữ văn, ĐH Sư Phạm I Hà Nội)
Cách làm bài thi môn Lịch sử
Học Sử không phải chỉ là học thuộc. Nhận định, phân tích rõ... đề bài để không đi chệch hướng so với yêu cầu về nội dung, khung thời gian, diễn biến của sự kiện... Đọc kỹ đề bài xác định được những chữ then chốt nhất.
Thông thường, trong mỗi đề bài đều có những chữ quan trọng nhất, là khung sườn cho việc thực hiện bài viết. Sau đó, xây dựng đề cương tổng thể, xác lập hệ thống dàn ý nhất quán và khoa học, sắp xếp các bước giải quyết vấn đề. Đây là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành công hay thất bại của bài viết.
Nhiều thí sinh khi làm bài thi thường quá chú trọng, dành nhiều thời gian vào phần mở bài và kết luận, trong khi khung điểm tối đa của hai phần này chỉ có 1/4 điểm. Nếu trình bày khung thời gian của sự kiện chính xác thì rất tốt nhưng nếu không nhớ rõ thì có thể nêu lên khoảng thời gian tương đối mà sự kiện diễn ra.
Ví dụ: Sự kiện Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức họp vào ngày 6/1/1930 (Theo Lược thảo phong trào cộng sản Đông Dương của đồng chí Hà Huy Tập) chứ không phải là ngày 3/2/1930 (Theo sách giáo khoa lớp 12) nhưng thí sinh khi làm bài lấy ngày 6/1 hoặc ngày 3/2 thì phông điểm vẫn được tính như nhau.
Tiến sĩ Vũ Quang Hiển
(Giảng viên môn Lịch sử trên kênh VTV2 -K.Lịch sử,
ĐH KHXH&NV Hà Nội)
Theo Sinh viên Việt Nam
|