HỌC VÀ ÔN MÔN VĂN TRƯỚC MÙA THI

Bộ GD-ĐT đã cải tiến cách ra đề thi, học trò phải cải tiến cách học. Cũng như một vài năm trước, năm học này (2002 - 2003) chương trình thi môn Văn bao gồm toàn bộ phần văn học Việt Nam  và phần văn học nước ngoài ở lớp 12.

 1. Phần văn học sử gồm 1 bài khái quát văn học Việt Nam từ 1945 đến năm 1975, ba bài giới thiệu tác giả văn học Việt Nam: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Tố Hữu và Nguyễn Tuân, 6 bài giới thiệu tác giả văn học nước ngoài: Gorky, Lỗ Tấn, Exênin, Aragông, Hêminguê, Sôlôkhốp, học phần này ta cần chú ý:

- Hoàn cảnh lịch sử, xã hội đã tác động đến diện mạo văn học cả giai đoạn.

- Những đặc điểm cơ bản tại nội dung hình thức của giai đoạn, lý giải và tìm dẫn chứng tác phẩm để minh hoạ cho từng đặc điểm. (chú ý những câu in nghiêng trong bài khái quát này).

- Từng tác giả cần lưu ý hoàn cảnh lịch sử, những đặc điểm về cuộc đời và tính cách của nhà văn tác động đến sáng tác của họ.

            Một vài dẫn chứng đề thi:

- Anh (chị) hãy trình bày sơ lược những đặc điểm của con người nhà văn Nguyễn Tuân.

- Theo anh (chị) Enxa Triôlê đã có vai trò như thế nào trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ, nhà tiểu thuyết Pháp Lui Aragông?

(Đề thi tốt ngiệp THPT môn Văn năm học 2001 - 2002)

2. Phần giảng văn - những tác phẩm văn chương. Đây là phần quan trọng nhất của chương trình. Toàn bộ chỉ có 30 tác phẩm (kể cả văn học nước ngoài). Nhưng trong đó có 4 tác phẩm đã chuyển sang đọc thêm không thuộc phạm vi ra đề thi: Và 4 bài thơ sau đây, đề thi chỉ đề cập đến đoạn trích đã học: Tâm tư trong tù, Bên kia sông Đuống, Các vị La Hán chùa Tây Phương, Tiếng hát con tàu. Như vậy dung lượng tác phẩm học và ôn không nhiều.

            Đối với một tác phẩm văn chương, dứt khoát ta phải nắm được:

a)      Hoàn cảnh ra đời: Khi tiếp xúc một tác phẩm, điều đầu tiên là phải tìm hiểu mối quan hệ giữa tác phẩm và hiện thực cuộc sống. Tác phẩm nào cũng nảy sinh từ một mảnh đất hiện thực và ghi dấu riêng cách nhận thức hiện thực của nhà văn trong một trào lưu, một giai đoạn văn học cụ thể. Cũng là hiện thực cả nước chống Mỹ, nhưng về truyện “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu khác “Rừng Xà Nu” của Nguyễn Trung Thành; về thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du” của Tố Hữu khác “Đất nước” trích “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Ví dụ:

- Anh (chị) hãy trình bày ngắn gọn hoàn cảnh ra đời và mục đích sáng tác truyện ngắn “Vi hành” của Nguyễn Ái Quốc.

  (Đề thi tuyển sinh vào các trường ĐH,CĐ năm 2002)

b)      Tóm tắt được nội dung và nêu rõ giá trị cơ bản về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Tác phẩm văn chương vốn đa nghĩa và lắm sắc màu nghệ thuật. Nhưng trong cái thông điệp ấy bao giờ cũng có một vài điểm sáng đắc ý đắc tâm của nhà văn, nhà thơ. Ví như:

- Truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” là một thành công xuất sắc của Nguyễn Minh Châu trên con đường “Đi tìm cái hạt ngọc” ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn con người Việt Nam thời chống Mỹ. Anh (chị) hãy:

* Đi tìm “cái hạt ngọc” ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn nhân vật Nguyệt trong truyện.

* Phân tích nét đặc sắc về nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu trong việc thể hiện vẻ đẹp tiềm tàng đó.

    (Đề thi môn văn vào trường ĐH Hồng Đức năm 2001)

c)      Sau khi đã nhận thức và cảm thụ khái quát tác phẩm, bước cuối cùng rất quan trọng là thu hoạch suy ngẫm, tự soi lại mình và đối thoại với tác giả về vấn đề họ đã nêu trong tác phẩm (nội dung tình ý) về cách viết của họ (hình thức biểu hiện). Đối thoại hiệu quả nhất là ta tự đặt ra hàng loạt câu hỏi về tác phẩm đó và tuần tự trả lời. Với truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao: Vì sao tác giả đổi tựa đề tác phẩm từ “Tiên sư anh Tào Tháo” thành “Đôi mắt”? Cách nhìn của Hoàng và Độ về người nông dân, về cuộc kháng chiến khác nhau như thế nào? Nhà văn đã thể hiện nhân vật Hoàng thành công như thế nào? Tác phẩm “Đôi mắt” có ý nghĩa như thế nào đối với các nhà văn thời đó? Vấn đề “Đôi mắt” bây giờ còn có tác dụng nữa không?...Với bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên: Vì sao Chế Lan Viên lại chọn “Tây bắc” và “Con tàu”? Hai hình ảnh có tính chất biểu tượng này mang ý nghĩa gì? Vì sao 4 dòng đầu (khổ 1) trong bài thơ lại in nghiêng như một lời đề từ ? Vì sao tác giả nói “tàu đói những vầng trăng” – “Ai bảo con tàu không mộng tưởng, mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng”?...

Làm quen với những mẩu đối thoại từ bộ phận đến toàn thể, từ cụ thế đến khái quát, từ đơn giản đến phức tạp đó, ta sẽ không bỡ ngỡ khi gặp những đề thi như:

- Trong tuỳ bút “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân đã sáng tạo được nhiều so sánh táo bạo, bất ngờ có sức gợi cảm mạnh mẽ và giá trị tạo hình cao. Anh (chị) hãy nêu 4 dẫn chứng, không cần phân tích.

(Đề gợi ý của Hà Bình Trị - Vụ THPT Bộ GD - ĐT)

- Cảm nhận của anh (chị) về bài thơ “Chiều tối” (Mộ) của Hồ Chí Minh (trích Nhật ký trong tù)

  (Đề gợi ý trong Hướng dẫn ôn tập thi TNPT môn văn lớp 12 năm học 2002-2003)

3. Mở rộng, nâng tầm nhận thức, cảm thụ đáp ứng mọi yêu cầu của đề thi.

a) Ta tập hợp, liên kết một nhóm tác phẩm có nội dung, có nhân vật gần giống nhau rồi tập so sánh, phân tích, nhận xét. Ví dụ:

- So sánh các bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, trích đoạn “Đất nước” trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyền Khoa Điềm, tìm hiểu những khám phá riêng của mỗi nhà thơ về đất nước quê hương mình và sắc thái tình cảm riêng của mỗi tác giả đối với Tổ quốc.

- Những phát hiện khác nhau về số phận người dân lao động, khát vọng và vẻ đẹp tâm hồn của họ qua các tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân, “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, “Mùa Lạc” của Nguyễn Khải.

(Hướng dẫn ôn tập cuối sách văn 12)

b) Trong đề thi ta thường gặp những thuật ngữ văn học như: Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, cảm hứng yêu nước, cảm hứng lãng mạn, khuynh hướng sử thi, chủ nghĩa anh hùng cách mạng hình tượng nhân vật...

-          Anh (chị) hãy phân tích giá trị nhân đạo sâu sắc của truyện ngắn “Vợ nhặt” (Kim Lân)

(Câu 2 đề thi ĐH-CĐ khối C năm 2002)

-          Phân tích vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.

(Câu 2 đề thi ĐH- CĐ khối D năm 2002)

-          Phân tích cảm hứng yêu nước của Hồ Chí Minh qua một số bài thơ đã học trong Nhật ký trong tù.

Khi lý giải các thuật ngữ văn học này ta cần nhớ nội hàm từng thuật ngữ, rồi xem nó được biểu hiện trong các tác phẩm ở những đặc điểm nào. Ví dụ:

(Câu 2 khối C có thể triển khải 3 ý:

* Nhà văn Kim Lân bộc lộ niềm thương xót đối với những người nông dân nghèo khổ sống trong tình thế khốn cùng bởi nạn đói khủng khiếp...(dẫn chứng?)

* Nhà văn Kim Lân đi sâu phát hiện và miêu tả khát vọng sống, khát vọng hướng tới tương lai con người...(dẫn chứng?)

* Nhà văn đã thể hiện niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người...(dẫn chứng?)

c) Trong các đề thi, ta thường gặp những câu hỏi có tính tự luận các dạng như: Phát biểu cảm nghĩ (cảm nhận), chứng minh, giải thích, bình luận, bình giảng, phân tích,...Dù với dạng nào, kiểu bài nào trước hết ta cần nắm vững nội dung và nghệ thuật tác phẩm; trên cơ sở đó ta suy nghĩ một trật tự lập luận cho kín kẽ, thật sát đề. Nên nhớ rằng cũng một vấn đề nhưng người ta có thể ra nhiều kiểu bài khác nhau, và mỗi kiểu bài tất nhiên có một thao tác làm bài, một giọng văn riêng.

                                                                                 Theo báo Khuyến học & Dân trí

 


Các tin khác
 Mẹo làm bài thi đại học  (05/04/04)
 Môn văn: Đọc kỹ đề bài, tránh lạc đề  (30/03/04)
 Môn địa lý: Phải lập đề cương cho từng câu  (19/03/04)
 Môn tiếng Anh: Bốn phần chính của một bài thi  (19/03/04)
 Môn Vật lý: Phải tự hệ thống chương trình đã học  (19/03/04)
 Môn Toán: Cần phân loại các dạng bài toán  (19/03/04)
 Bạn đọc viết - Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2002-2003 dưới mắt mọi người  (13/06/03)
 6 “bí quyết” cho... mùa thi  (27/05/03)
 NHẬN XÉT ĐỀ THI ĐẠi HỌC – CAO ĐẲNG NĂM 2002  (26/05/03)
 HỌC VÀ ÔN MÔN VĂN TRƯỚC MÙA THI  (09/05/03)
1 2 3 4
Sản phẩm được hợp tác giữa VASC & TMC, liên hệ: e-School Webmaster.
99 Trieu Viet Vuong - 59 Thai Ha, Hanoi, Vietnam. Tel: 84-4-9782235, Fax: 84-4-9780636