Vụ trưởng THPT Nguyễn Văn Trang đã công bố quyết định này trong Hội nghị tổng kết các kỳ thi tốt nghiệp năm 2002 và phương hướng tổ chức kỳ thi năm 2003, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 25-26/11. Sau hội nghị, Bộ sẽ thông báo chính thức cách ra đề thi ở các môn tiếp theo, tỷ lệ phần trăm trắc nghiệm...
|
Đánh giá công tác chỉ đạo tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 2002, một số địa phương phàn nàn về tình trạng vẫn phải chỉnh sửa barem đáp án trong quá trình chấm thi. Thậm chí, có nơi đã chấm xong bài mà vẫn phải chấm lại theo đáp án bổ sung.
Tại buổi thảo luận đầu tiên chiều 25/11, ông Trang cho rằng tỷ lệ tốt nghiệp THPT giữa các vùng cần được các cấp quản lý giáo dục xem xét, đánh giá cho khách quan. Ông đề nghị các Sở GD&ĐT nghiêm túc xét lại tỷ lệ tốt nghiệp THCS và THPT của địa phương, xem đã thực sự sát với chất lượng giáo dục hay chưa. Bởi trong số 27 tỉnh, thành có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trên 90% trong năm học vừa qua, có những địa phương không phản ánh đúng thực chất điều kiện và chất lượng giáo dục. Nhiều năm nay, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông của các tỉnh phía bắc luôn cao hơn các tỉnh phía nam. Trong đó, đáng lưu ý là một số tỉnh miền núi phía bắc, Tây nguyên tuy điều kiện khó khăn nhưng tỷ lệ tốt nghiệp cũng đạt trên 90%.
Bàn về kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, một số Sở GD&ĐT phía nam kiến nghị cần mạnh dạn thay thế kỳ thi này bằng một kỳ kiểm tra cuối lớp 5, đề thi do trường tự ra và chứng nhận (hoặc bằng) tốt nghiệp do hiệu trưởng cấp. Bộ quyết định, các sở GD&ĐT sẽ tiếp tục ra đề thi theo chương trình lớp 5 (165 tuần); từng bước đưa trắc nghiệm khách quan vào đề thi của các bậc THCS, THPT và bổ túc THPT.
Theo đánh giá của thanh tra Bộ GD&ĐT, mặc dù đã có nhiều tiến bộ hơn những năm trước, nhưng coi thi vẫn là khâu yếu nhất trong toàn bộ công tác tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp năm 2002, đặc biệt là ở kỳ thi bổ túc. Tình trạng vi phạm quy chế vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, xử lý kiên quyết; còn biểu hiện nể nang, né tránh hoặc dung túng của cán bộ lãnh đạo hội đồng thi và người trông thi. Ở nhiều hội đồng, tình trạng thí sinh mang tài liệu vào phòng thi còn phổ biến, chưa được giám thị ngăn chặn và xử lý theo quy chế. Riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT, do một số giám thị chưa nắm vững quy chế nên để xảy ra sự cố nghiêm trọng như mất bài thi của học sinh (ở Phú Yên) hay xé bài thi của thí sinh (Bắc Cạn), đặc biệt là sự cố ráp nhầm phách ở Quảng Bình, gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ
|