PGS.TS. Dương Đức Hồng - Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, kết quả áp dụng thi trắc nghiệm gần đây đối với một số môn tại trường cho thấy, sinh viên sợ nhất những môn này và thường đạt điểm rất kém. Hơn nữa, theo ông Hồng, một số trường ĐH, CĐ chưa sẵn sàng áp dụng phương pháp thi mới mẻ này trong kỳ tuyển sinh 2003. Do vậy, tuyển sinh bằng trắc nghiệm có thể khiến Bộ GD-ĐT khó thực hiện giải pháp chung đề theo tinh thần Đề án Cải tiến tuyển sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
PGS.TS Phạm Ngọc Quý (ĐH Thuỷ lợi) thì lo lắng: Liệu thí sinh đã có thói quen thi bằng trắc nghiệm hay chưa, đặc biệt là thí sinh vùng núi phía Bắc, vùng sâu, vùng xa?. Hơn nữa, theo ông Quý, cần lường trước những tiêu cực phát sinh như cán bộ tuyển sinh làm bài hộ thí sinh bằng cách đánh dấu các ô bỏ trống trong bài thi đã làm.
Trước câu hỏi trắc nghiệm hay không? cho kỳ tuyển sinh 2003, đại diện các trường ĐH phía Bắc tham dự hội thảo đều cho rằng cần xây dựng một lộ trình cụ thể để tiến tới phương pháp thi tiên tiến, tuy đã được áp dụng đại trà tại nhiều nước trên thế giới nhưng vẫn còn quá mới với thí sinh Việt Nam này. GS.TS Ngô Đăng Duyên - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hải Phòng đề nghị Bộ GD-ĐT trước mắt chỉ đạo các trường phổ thông cùng cho học sinh làm quen dần với thi trắc nghiệm, đưa hình thức thi này vào một số tiết thuộc chương trình lớp 12 để tiến tới tuyển sinh bằng trắc nghiệm trong một số năm tới.
Việc chuẩn bị ngân hàng đề thi cũng là nỗi lo lắng chung, bởi như PGS.TSKH Phan Đức Chính - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đã nói, làm đề thi trắc nghiệm từ câu 51 trở đi rất khó bởi các câu hỏi rất có thể bị lặp lại. Do vậy, nhiều ý kiến không chấp nhận giải pháp mời hai ĐH quốc gia xây dựng ngân hàng đề chung cho tất cả các trường của Bộ GD-ĐT. Đại biểu nhiều trường đề nghị thành lập Ban đề thi tuyển sinh 2003 và mời chuyên gia cả nước tham gia.
Điểm sàn xét tuyển trên toàn quốc chỉ nên để... tham khảo
Trước đề nghị định tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển dựa trên cơ sở điểm sàn chung của từng khối thi trên toàn quốc (100% chỉ tiêu cho NV1 nếu điểm tuyển học sinh phổ thông khu vực 3 bằng hoặc cao hơn điểm sàn, 80% cho NV1 nếu điểm tuyển thấp hơn điểm sàn; mức điểm tuyển bổ sung bằng hoặc cao hơn điểm sàn), các đại biểu đều cho đây là giải pháp xét tuyển thiếu tính thực tế. Theo GS. TS Hoàng Văn Sánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Hải Phòng, điểm sàn chung trên toàn quốc cho mỗi khối thi, nếu được định ra, sẽ chỉ... để đấy. Bởi thí sinh dù đã đủ điểm sàn vào trường này, lại có nguyện vọng xét tuyển tại trường khác, hoặc đủ điểm sàn nhưng lại không được xét tuyển do không thuộc vùng tuyển của trường.
Hơn nữa, GS. Sánh cho rằng, khó có thể thống nhất chất lượng đầu vào của các trường ĐH, CĐ bằng một điểm sàn chung trên toàn quốc; ĐH Tây Bắc và ĐH Bách Khoa Hà Nội không thể có chung chất lượng đào tạo, càng không thể đồng nhất về chất lượng đầu vào.
Về mức điểm chênh lệch khu vực và đối tượng (thống nhất là một điểm từ năm 2003), đại biểu một số trường cũng cho là thiếu thực tế. PGS.TS Dương Đức Hồng cho biết, kỳ tuyển sinh 2002 ĐH Bách Khoa buộc phải quy định điểm chênh lệch khu vực và đối tượng là 0,5 điểm do lượng thí sinh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa đăng ký dự thi vào trường lên đến 80%. Nếu ĐH Bách Khoa định điểm chênh lệch là một điểm, sẽ loại bỏ cơ hội trúng tuyển của rất nhiều thí sinh thành phố. Vì vậy, việc định điểm chênh lệch, theo ông Hồng, khó có thể cứng nhắc trong một khung điểm cụ thể.
Thận trọng với giải pháp đăng ký dự thi qua mạng
Vấn đề được bàn cãi khá nhiều sau áp dụng hay không phương pháp thi trắc nghiệm trong tuyển sinh 2003 là tính khả thi của việc cho thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ qua mạng. Theo GS. Hoàng Văn Sánh, nhiều trường THPT trên địa bàn TP có máy vi tính, nhưng đều được... trùm khăn kỹ lưỡng. Còn ở các trường vùng sâu, vùng xa, trang bị và trình độ sử dụng CNTT thế nào, thật dễ tưởng tượng. Còn theo ý kiến của PGS.TS Phạm Ngọc Quý, do người Việt Nam vốn quen với bút, giấy, dấu đỏ, rất cần khẳng định tính pháp lý của việc đăng ký dự thi qua mạng, định trước các bước xử lý và giữ an toàn dữ liệu khi thí sinh vào mạng sửa chữa thông tin cá nhân.
Cùng với đăng ký dự thi qua mạng, tuyển sinh bằng trắc nghiệm, định điểm sàn chung cho mỗi khối trên toàn quốc... các vấn đề nổi cộm đặt ra trước mùa tuyển sinh 2003 khác sẽ được đại biểu các trường ĐH, CĐ toàn quốc bàn bạc trong hội nghị tuyển sinh toàn quốc, tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 11/2002.
9 kết luận của hội thảo:
1. Kỳ tuyển sinh 2002 với giải pháp ba chung (chung đề trong từng khối, chung đợt, sử dụng chung kết quả để xét tuyển) đã kết thúc thắng lợi.
2. Kỳ tuyển sinh 2003 sẽ được tiếp tục tiến hành theo tinh thần Đề án cải tiến tuyển sinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ GD-ĐT thực hiện năm 2002.
3. Trắc nghiệm là phương pháp thi khoa học, hiện đại nhưng cần được chuẩn bị tốt, chưa nên áp dụng trong kỳ tuyển sinh 2003.
4. Không tiến hành tuyển sinh bằng trắc nghiệm ở một số trường, tự luận ở nhóm trường khác.
5. Bộ GD-ĐT không nên giao việc ra đề thi cho một số trường.
6. Tuyển sinh 2003 không tiến hành theo phương án tuyển sinh 2001 mà sẽ kế thừa các giải pháp cải tiến tuyển sinh 2002.
7. Cần cân nhắc tính khả thi của giải pháp đăng ký dự thi qua mạng.
8. Năm 2003, các trường ĐH, CĐ được tự quyết định có tổ chức thi tuyển sinh hay không.
9. Ban chỉ đạo Tuyển sinh (Bộ GD-ĐT) sẽ nghiên cứu các phương án xử lý kỹ thuật (đăng ký dự thi, xét tuyển nguyện vọng...).
Quảng Hạnh - VASC Orient
|