Nên tuyển sinh ĐH, CĐ bằng thi trắc nghiệm từ 2003

Ngược lại với tuyên bố không thi trắc nghiệm của Vụ ĐH (Bộ GD-ĐT), nhiều đại biểu các trường ĐH khu vực phía Nam tại cuộc họp bàn về tuyển sinh hôm qua (22/10) khẳng định đây là cách tốt nhất để giảm căng thẳng trong các kỳ tuyển sinh, loại bỏ tâm lý đổ xô vào ĐH trong nhân dân và tăng quyền chủ động cho các trường ĐH.

GS. Trương Đình Kiệt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM khẳng định, thi trắc nghiệm là những cuộc thi diễn ra chỉ trong nửa tiếng đồng hồ với sự tham gia của cả triệu lượt thí sinh nhưng đảm bảo công bằng nhất. Thí sinh sẽ không đăng ký nguyện vọng trước khi thi mà sẽ đợi cho đến lúc thi xong. GS. Kiệt cho biết, với lực lượng đông đảo thầy dạy giỏi trên cả nước, Việt Nam không sợ thiếu ngân hàng đề thi. 10 chuyên gia Việt Nam đủ khả năng cho ra 1.500 câu hỏi sau 15 ngày rồi chuẩn hoá thêm.

Đồng tình với quan điểm này, GS. Phạm Phụ và TS. Trương Chí Hiền - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa và (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đề nghị tổ chức thi trắc nghiệm ngay trong kỳ tuyển sinh 2003. TS. Hiền nói: Trắc nghiệm không xa lạ với học sinh. Lẽ ra ngay bây giờ Bộ GD-ĐT phải xây dựng trung tâm khảo thí, thậm chí ở ngay từng vùng để đặt nền móng cho hình thức thi có nhiều ưu điểm này.

Đến như người của Bộ, TS. Lê Khắc Huy - Phó Chánh văn phòng 2 cũng cho rằng, cần có một trung tâm khảo thí và sử dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan để các kỳ tuyển sinh đỡ nặng nề, căng thẳng. Ông thừa nhận, Vụ ĐH phải lo thi cử quá nhiều: lo chương trình, tổ chức kỳ thi, tham mưu cho bộ trưởng... Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Hữu An - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Văn Lang, rất cần tách kỳ thi ra khỏi kỳ tuyển. Bộ sẽ tổ chức thi và trường sẽ thực hiện tuyển. Ông cho biết, thí sinh cần được quyền chọn thi bao nhiêu khối mình có thể thi; không nên khống chế nguyện vọng của các em. GS. Nguyễn Chung Tú thì than thở trước kỳ thi 2002, có nhiều nguyện vọng đến mức một người lo thi cử hơn nửa thế kỷ như ông vẫn không nắm vững (chứ đừng nói đến phụ huynh). Với lý do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ người làm tuyển sinh nhiều trường còn cao hơn lực lượng của Bộ, GS. Tú đề nghị Bộ GD-ĐT cho mỗi trường tổ chức kỳ thi theo đặc thù riêng của mình.

25 câu hỏi dự thảo cải tiến tuyển sinh: Không đáng góp ý

Theo các chuyên gia, 25 câu hỏi cải tiến tuyển sinh ĐH, CĐ 2003 do Bộ GD-ĐT đưa ra còn mang tính tác nghiệp hơn là chiến lược. GS. Phạm Phụ nhận xét, chưa thấy những câu hỏi cơ bản như có nên thi trắc nghiệm hay không; làm gì để giải quyết bài toán cân đối ngành nghề, trình độ, vùng miền... Đặc biệt, có những câu hỏi không cần thiết như 13 (xử lý bài nhàu nát), 19 (thêm cụm thi ở Quy Nhơn)...

PGS.TS Nguyễn Văn Tài - Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã Hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng viện dẫn điều 55 của Luật Giáo dục về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường ĐH, CĐ để khẳng định: Không cần thiết phải trả lời 25 câu hỏi về cải tiến tuyển sinh 2003 của Bộ GD-ĐT. Bởi theo điều luật nói trên, công tác tuyển sinh là nhiệm vụ của các trường ĐH, Bộ GD-ĐT chỉ cần thực hiện đầy đủ các chức năng giám sát, quản lý, ban hành các tiêu chuẩn tuyển sinh ĐH. Một lý do khác để các trường không cần trả lời những câu hỏi nói trên, theo PGS. Tài, là những câu hỏi này chỉ có tác dụng tham khảo thuần tuý về kỹ thuật, không giúp tìm kiếm giải pháp giảm bớt tốn kém, căng thẳng cho xã hội trong các kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ.

PGS. Tài nói: Nếu Bộ muốn giữ cho mình nhiệm vụ không cần thiết là can thiệp quá sâu vào công tác tuyển sinh, Bộ nên thành lập một đơn vị chức năng cần thiết và nha khảo thí hay cục khảo thí. Cơ quan này cần độc lập với các trường ĐH; các trường có quyền sử dụng các kết quả công bố từ đây để tuyển chọn người học phù hợp với yêu cầu đào tạo của mình.

Tại cuộc họp bàn về tuyển sinh của các trường ĐH phía Nam, nhiều cán bộ quản lý hoài nghi tác dụng của các ý kiến đóng góp cho cải tiến tuyển sinh với Bộ GD-ĐT. Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, năm ngoái có hơn 150 ý kiến, nhưng đâu lại hoàn đấy. Năm nay Bộ GD-ĐT vừa công bố 25 điểm, các trường chưa kịp góp ý gì thì Vụ trưởng Vụ ĐH đã tuyên bố không thi trắc nghiệm. Cuối cùng, tuyển sinh ĐH, CĐ ở Việt Nam hiện nay được người làm tuyển sinh mô tả: đầy biến động, thử và sai; không ai chịu trách nhiệm, chỉ trừ thí sinh!.

10 điểm các chuyên gia thống nhất trong cuộc gặp gỡ:

1. Bộ GD-ĐT cần xây dựng một chiến lược về tuyển sinh. Xác định mục tiêu, chương trình kế hoạh của tuyển sinh.
2. Thay đổi một số quan niệm về ĐH: ĐH là gì, là tinh hoa hay là bậc học sau THPT?
3. Các trường tự tổ chức thi, trường nào yếu thì liên kết.
4. Bắt đầu thi trắc nghiệm ngay.
5. Bỏ việc đăng ký nguyện vọng. Nguyện vọng sẽ được đăng ký sau.
6. Sử dụng kết quả thi của THPT, nhập hai kỳ thi THPT và tuyển sinh làm một. Trước mắt nên tổ chức 2 kỳ thi.
7. Đề thi chung là tốt, vì đánh giá được trình độ THPT.
8. Không quá tin cậy việc áp dụng CNTT trong tuyển sinh
9. Bộ nên tổ chức một hoặc nhiều trung tâm khảo thí ở các vùng, miền.
10. 25 phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra về tuyển sinh 2003 đã lẫn lộn giữa chiến lược và kỹ thuật.

Theo Tuổi Trẻ


Các tin khác
 NĂM 2003 PHỔ CẬP INTERNET BẬC HỌC TRUNG HỌC PHỔ THÔNG  (20/12/02)
 Hà Nội thực hiện miễn tất cả các khoản thu ngoài học phí cho học sinh nghèo  (16/12/02)
 Học sinh bổ túc THCS phải học bảy môn bắt buộc  (12/12/02)
 Chính quy hóa sinh viên Đại học Châu Á  (12/12/02)
 Hai ĐH Quốc gia sẽ thi trắc nghiệm ngay từ 2003  (10/12/02)
 Năm 2003, tuyển mới 180.000 chỉ tiêu ĐH, CĐ  (05/12/02)
 TP HCM: Học kỳ I bậc trung học sẽ kiểm tra trắc nghiệm  (04/12/02)
 Tốt nghiệp phổ thông 2003: Sẽ thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ  (03/12/02)
 Nhiều trường phản đối tuyển sinh 2003 bằng trắc nghiệm  (07/11/02)
 25 câu hỏi thăm dò ý kiến về cải tiến tuyển sinh ĐH, CĐ 2003 của Bộ GD-ĐT  (29/10/02)
 Nhiều trường ĐH phía Bắc không muốn tuyển sinh 2003 bằng trắc nghiệm  (28/10/02)
 Nên tuyển sinh ĐH, CĐ bằng thi trắc nghiệm từ 2003  (23/10/02)
 Tuyển sinh 2003: Ba nguyện vọng, hai đợt, năm cụm thi  (09/10/02)
 Chất lượng bài thi ĐH quá kém  (08/10/02)
 Kết thúc mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2002  (08/10/02)
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 ...
Sản phẩm được hợp tác giữa VASC & TMC, liên hệ: e-School Webmaster.
99 Trieu Viet Vuong - 18 Nguyễn Chí Thanh, Hanoi, Vietnam. Tel: 84-4-9782235, Fax: 84-4-9780636