Tại điều 10 của quy chế trường THPT chuyên: học sinh giỏi bộ môn lớp 9 cấp tỉnh được cộng điểm khi tuyển vào lớp 10 nếu môn đoạt giải là môn chuyên dự thi. Mức điểm được cộng: giải nhất 2 điểm, nhì 1,5 điểm, ba 1 điểm. Tuy nhiên, cũng theo quy định: điểm xét tuyển bằng bình quân các bài thi (đã tính hệ số) cộng điểm khuyến khích. Như vậy, tổng số điểm bài thi của thí sinh sau khi nhân hệ số 2 môn chuyên sẽ được chia 4 để lấy điểm bình quân cộng điểm ưu tiên thành điểm xét tuyển.
Tại Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, tỉnh Hà Tây, thí sinh mang báo danh 0369 thi vào chuyên Hóa của trường đạt 3 môn Văn, Toán, Hóa là 5 - 9 - 9,5 không ưu tiên có tổng điểm 32 trượt, nhưng các trường hợp sau vẫn đỗ: tổng điểm 29,5 và ưu tiên 2; tổng điểm 31,5 và ưu tiên 1,5.
Những vấn đề cần xem xét
Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ có 700 thí sinh dự thi chuyên Hóa chọn 75 thì có tới 65 em được cộng điểm. Theo cách tính trên, hầu hết các thí sinh ưu tiên đều đỗ dù kết quả bài làm không cao. Trong khi, nhiều thí sinh thi điểm rất cao lại bị loại ra. Đó là chưa kể tốn kém cho hơn 600 gia đình thí sinh.
Cũng tại quy chế này, một bất hợp lý khác là quy định thí sinh được đưa vào danh sách xét tuyển phải có điểm thi môn chuyên từ 6,5 trở lên. Theo ông Nguyễn Thành Sơn, Hiệu phó Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, quy định này không nói lên chất lượng tuyển sinh mà còn gây khó khăn cho công tác xét tuyển. Ông nói: ''Chất lượng tuyển sinh còn liên quan độ khó dễ của kỳ thi. Trong kỳ tuyển sinh vừa qua, chúng tôi dự kiến tuyển 500-600 em nhưng khi áp dụng quy chế, chỉ có hơn 300 trúng tuyển trên 3.000 thí sinh dự thi. Trong đó, những môn chuyên như Sử chỉ tuyển được 2 học sinh, Tiếng Anh 15 học sinh, Địa 20... Như vậy, muốn tuyển đủ học sinh chúng tôi phải ra đề dễ hơn? Ra đề dễ còn nói gì đến chuyện thi vào trường chuyên?''.
|