Tobicom & pho-L
  | Trang chủ | Lớp học trực tuyến | Thư viện kiến thức | Tư vấn hướng nghiệp | Câu lạc bộ | Chuyên gia tư vấn |
Giới thiệu dịch vụ
Thông tin cần biết
Thông tin trường học
Cùng góp ý
Hướng dẫn sử dụng
Hỗ trợ trực tuyến
Danh sách đại lý Educard
   
   
   
   
   
   
   

Hà Nội: Tất cả các lò luyện thi đều... quá tải

Việc Bộ GD-ĐT ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm nay một phần nhằm hạn chế tình trạng luyện thi tràn lan tại các trung tâm. Tuy nhiên, trái với mong muốn của Bộ, hầu hết các lớp luyện thi gần các trường ĐH lớn của Hà Nội đến thời điểm này đều đã ngấp nghé sĩ số 200.

Muốn biết có bao nhiêu sĩ tử đang mài nghiên bút tại một lớp luyện thi ĐH thường thường bậc trung gần ĐH Bách khoa như căn hộ 2 phòng của vợ chồng bà Chi (ngách 17/9, ngõ 17, Tạ Quang Bửu), chỉ cần đếm số xe đạp, xe máy dựng thành 3 hàng dài, kín bãi đỗ rộng 70m2 đầu ngõ. Để tính được số trò đang theo học tại cơ sở này, còn phải nhân lên nhiều lần; bởi mỗi ngày bà Chi soát thẻ học viên cho 10 lớp như vậy.

Cách đó không xa, có một ngôi nhà 5 tầng trên mặt bằng 100m2, học sinh lúc nào cùng ngồi chật như nêm từ tầng thấp nhất đến tầng trên cùng; ông Lân (chủ nhà) phải thuê đến 3 người chuyên làm nhiệm vụ trông xe. Cơ sở của ông chỉ là một trong vài chục trung tâm luyện thi khu vực ĐH Bách khoa đang trở nên chật chội do lượng học sinh đến nhập học ngày một đông.

Tại các trung tâm luyện thi quanh ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Sư phạm, các lớp 13 (dành cho thí sinh tự do) khai giảng sau Tết và trên 20 lớp vừa mở cũng đã gần hết chỗ ngỗi (đây đều là những lớp học tại các giảng đường 300 ghế như ở Trường Trung học Thương mại - Du lịch và ĐH Sư phạm Hà Nội). Theo dự đoán của một nhân viên Trung tâm luyện thi ĐH Sư phạm Hà Nội, năm nay các khóa học cấp tốc (học trước khi thi một tháng) tại các trung tâm luyện thi trên địa bàn Hà Nội sẽ chật kín, dù học phí có lên đến trên 1 triệu đồng/khóa/khối thi với 30 tiết mỗi tuần. Anh này cho biết, đến thời điểm hiện tại, lượng học sinh đến trung tâm ghi danh luyện thi ĐH đã tăng 700 người so với cùng kỳ năm trước, trong khi trung tâm chưa hề in tờ rơi hoặc viết biển chiêu sinh.

Giải thích hiện tượng các trung tâm luyện thi không cần quảng cáo vẫn 'đắt hàng' sớm hơn mọi năm, ông Lân (ngõ 17, phố Tạ Quang Bửu) cho biết, quyết định cải cách tuyển sinh của Bộ GD-ĐT (trong đó có việc Bộ lần đầu tiên ra đề thi ĐH) đã khiến những học sinh giỏi nhất cũng trở nên kém tự tin; các cháu không còn thi trường nào, ôn luyện tại trường đó như những năm trước mà đổ xô vào các lớp luyện thi; trước để 'đỡ lo', sau với hy vọng được học các thầy có nhiều cơ hội 'trúng cử' vào Ban ra đề của Bộ. Hình, có thể do thầy Nguyên (ĐH Sư phạm Hà Nội) ra; Văn, chắc là cô Đoàn Hương (ĐH Quốc gia Hà Nội); Hóa, ắt là thầy Chi (ĐH Bách khoa) hoặc thầy Nguyễn Đức Vận (ĐH Sư phạm Hà Nội); Lý, phải là thầy Tuấn (ĐH Sư phạm Hà Nội), thầy Cung Việt Ảnh (ĐH Bách khoa)... - học sinh nào cũng đoán già, đoán non như vậy và lao vào công cuộc tìm thầy. Kết quả, những tấm biển quảng cáo nghễu nghện dòng chữ 'bảo đảm đỗ' hay 'lớp chất lượng cao' năm nay bị xếp xó vì hết giá trị.

Ôm lo âu, ném tiền qua cửa sổ

Chỉ riêng lớp học Hình không gian tại cơ sở luyện thi ĐH ngách 17/9, ngõ 17, Tạ Quang Bửu của bà Chi, có đến non nửa học viên mua 'vé xé' (vé theo buổi, giá 6.500 đồng/chiếc). Một trong số này, Lê Thị Hoa (quê Bắc Ninh) cho biết, em và các học viên ngoại tỉnh hiếm khi có đủ tiền mua thẻ vào lớp theo tháng (rẻ hơn 500 đồng/buổi học so với vé xé) do có quá nhiều khoản phải chi tiêu. Em và các bạn vừa trải qua 4 kỳ thi thử ĐH với lệ phí 10.000 - 11.000 đồng/môn/kỳ. Hoa cho biết, em và các bạn không thể thoát khỏi sức hút của các kỳ thi thử, dù là kỳ thi được tổ chức ngay trong lớp luyện thi hay một cuộc thi quy mô với sự tham dự của 2.000 thí sinh và hàng chục thầy cô giáo có thâm niên ra đề và chấm thi ĐH, đã diễn ra trong hai ngày 6 và 7/4 tại Trung tâm Tô Hoàng (51A, Đại Cồ Việt).

Trong khi đó, tại các lớp luyện thi, hàng tháng các thầy lại tổ chức thi thử (có chấm) một lần, với tất cả các môn. Còn ở các trung tâm lớn, trong 2 tháng có đến 3 đợt thi/trung tâm (đợt cuối, theo thông báo, tổ chức vào ngày 18, 19/5, chưa hẳn sẽ là đợt cuối cùng).

Tuy nhiên, Hoa cũng như các thí sinh tự do khác sẵn sàng dè sẻn trong sinh hoạt để theo đến cùng mọi kỳ thi, bởi theo em, khi Bộ GD-ĐT chỉ cho thi 1 lần, việc thi nhiều lần (dù chỉ là tập dượt) cho các em kinh nghiệm làm bài và giúp tạo dựng niềm tự tin; vả lại, biết đâu... may mắn, gặp đúng đề sẽ thi ĐH!

Trước thềm kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2002, không học sinh nào thoát khỏi nỗi niềm thi cử. Thế nên, dù các lớp luyện thi đã chật như nêm, vé vào cửa vẫn được chủ nhà xé không ngơi tay; hàng trăm tờ rơi chằng chịt thông tin về lịch học, môn thi xen lẫn tên thầy dạy vẫn được phát như bươm bướm cho bất cứ sĩ tử nào còn lang thang chưa tìm được chỗ dựa, ít nhất là về tinh thần.

VASC Orient

Các tin tức khác
  1. Hôm nay, 1,27 triệu học sinh thi tốt nghiệp THCS
  2. Điều kiện chấm phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT
  3. Điện thoại nóng dành cho học sinh luyện thi ĐH
  4. Vụ thi hộ vào ĐH ngoại ngữ: phát hiện thêm 48 trường hợp vi phạm
  5. TP.HCM: Khởi động mùa… ''chạy trường''
  6. Tuyển sinh THCN 2002: Lượng tăng, chất có tăng?
  7. Các hội đồng tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn lúng túng với bài toán CNTT
  8. TP.HCM: ''Căng thẳng'' chỗ trọ mùa thi
  9. Được phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT nếu điểm thi thấp hơn điểm trung bình cả năm 2 điểm
  10. Sao in đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ: Trách nhiệm ''đá đè''

Xem tiếp: 1 2 3 4 5 6 7 8 9


 Copyright 2002 by VASC, All rights reserved. Contact us: e-School Webmaster
 99 Trieu Viet Vuong, Hanoi, Vietnam. Tel: 84-4-9782235, Fax: 84-4-9780636