Tobicom & pho-L
  | Trang chủ | Lớp học trực tuyến | Thư viện kiến thức | Tư vấn hướng nghiệp | Câu lạc bộ | Chuyên gia tư vấn |
Giới thiệu dịch vụ
Thông tin cần biết
Thông tin trường học
Cùng góp ý
Hướng dẫn sử dụng
Hỗ trợ trực tuyến
Danh sách đại lý Educard
   
   
   
   
   
   
   

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2002: Những tín hiệu đáng mừng

Số lượt thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) giảm 30% so với năm 2001. Tiết kiệm gần 80 tỷ đồng nhờ việc tổ chức thí điểm 2 cụm thi Vinh và Cần Thơ. Xu hướng chọn trường quay lại thang giá trị cũ: ''Nhất y, nhì dược...''.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung, dấu hiệu tích cực đầu tiên của việc cải tiến tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là số thí sinh ĐKDT trên toàn quốc giảm rất mạnh (khoảng 30%) so với năm 2001. Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT (tính đến cuối tháng 5/2002), cả nước có khoảng 1,8 triệu lượt thí sinh ĐKDT vào các trường ĐH, CĐ; nếu tính trên 168.000 tổng chỉ tiêu, hệ số ''chọi'' trung bình của kỳ thi năm nay là 1/8. Đây là tỷ lệ không căng thẳng như kỳ tuyển sinh 2001 (có 160.000 chỉ tiêu và 2,1 triệu lượt thí sinh ĐKDT). Hơn nữa, số thí sinh thực thi năm nay sẽ còn giảm vì nhiều thí sinh nộp 2, 3 hồ sơ ĐKDT và chỉ được dự thi 1 lần. Nếu tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 70% như mọi năm, sẽ chỉ còn trên dưới 1 triệu thí sinh dự thi.

Một dấu hiệu đáng mừng nữa của kỳ tuyển sinh năm nay, khi lần đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện thí điểm hai cụm thi liên trường tại Vinh (Nghệ An) và Cần Thơ, nhờ đó hơn 40.000 thí sinh 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị sẽ không phải ''khăn gói'' ra Hà Nội; hơn 67.000 thí sinh 8 tỉnh phía Nam sông Tiền (Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp) sẽ không phải "lều chõng" lên TP.HCM dự thi ĐH.

Theo tính toán của Thứ trưởng Trần Văn Nhung, việc tổ chức thí điểm 2 cụm thi liên trường này giúp tiết kiệm ít nhất 80 tỷ đồng (30 tỷ đồng ở cụm Vinh và 50 tỷ đồng ở cụm Cần Thơ); đặc biệt, hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM không còn phải chịu sức ép quá tải do thí sinh dồn về; ngành giao thông chắc chắn bớt nỗi lo thiếu phương tiện vận tải, nạn tắc đường, kẹt xe... trong những ngày thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Như vậy, Bộ GD-ĐT phần nào đã thực hiện lời đề nghị của Thủ tướng Phan Văn Khải: ''Cái gì gánh bớt được cho dân thì Bộ GD-ĐT cố mà gánh lấy''.

Về quyết định sử dụng chung đề thi ĐH, CĐ trên toàn quốc, theo đánh giá của ông Đỗ Văn Chừng - Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, có tác dụng làm cơn sốt ở các lò luyện thi của các trường ĐH hạ xuống rất nhiều (chỉ có 50% số người học so với cùng kỳ năm ngoái). Hơn nữa, việc các trường thi chung đề do Bộ soạn thảo sẽ đảm bảo tính công bằng về định lượng đề thi, tránh tình trạng trường ra đề quá khó, trường lại ra đề quá dễ, hoặc ra đề theo kiểu đánh đố thí sinh, đề vượt ngoài chương trình THPT, buộc các em phải ôn luyện tại các trung tâm luyện thi của chính trường định dự thi...

Trước dư luận lo ngại về khả năng lộ đề khi Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm ra đề, ông Chừng cho biết, việc này rất khó xảy ra vì quy trình ra đề, chuyển đề về các trường được Bộ thực hiện hết sức nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Nhiều bất ngờ trong xu hướng chọn trường

Theo báo cáo nhanh từ các trường ĐH, kỳ tuyển sinh 2002, đa số thí sinh ĐKDT cả 3 nguyện vọng vào các ngành (cùng khối thi) trong 1 trường ĐH. Năm nay, Y - Dược vẫn là ngành học ''sáng giá'' trong nhận thức của nhiều người; số thí sinh ĐKDT vào các trường ĐH y, dược tăng mạnh. ĐH Y Dược TP.HCM có hệ số ''chọi'' rất cao: 1/27,5 (lấy 725 chỉ tiêu trên 20.000 lượt thí sinh ĐKDT). Tại ĐH Cần Thơ, phần lớn trong 56.587 thí sinh ĐKDT có nguyện vọng vào khoa Y - Dược.

Ngoài các trường y, dược, hệ số ''chọi'' ở các trường ĐH kỹ thuật năm nay cũng rất cao, nhất là những ngành sinh viên dễ tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, hệ số ''chọi'' là 1/14,7 (ngành Kỹ thuật điện - Điện tử, con số này là 1/28,8, Kỹ thuật nhiệt - Điện lạnh 1/27,3). Tại ĐH Bách khoa TP.HCM, hệ số ''chọi'' ngành Điện - Điện tử là 1/13,3; Xây dựng 1/13,7. Tại ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, hệ số ''chọi'' là 1/10,6; trong đó các ngành Điện tử viễn thông, Xây dựng cầu đường thu hút rất nhiều thí sinh ĐKDT.

Cũng theo báo cáo của các trường ĐH, năm nay các ngành Ngoại ngữ, Tin học, Kinh tế, Luật... tạm thời nhường bước cho các ngành học thiết thực. Chẳng hạn, tại ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM ngành Ngữ văn Nga - Anh có hệ số ''chọi'' 1/3; Ngữ văn Trung Quốc 1/1,9, Ngữ văn Pháp 1/3. Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, hệ số ''chọi'' ngành Kinh tế học là 1/4; Kinh tế cộng đồng 1/1,9; Kinh tế đối ngoại và Toán - Tin học 1/6.

Về số lượt thí sinh ĐKDT, nhiều trường giảm nhiều so với kỳ tuyển sinh trước. ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ có 66.380 hồ sơ ĐKDT trong khi con số này năm 2001 là 90.828 hồ sơ; trong đó, hai trường ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn có số thí sinh ĐKDT giảm mạnh nhất (chỉ có 38.392 thí sinh). Một số ngành thuộc 2 trường này có rất ít thí sinh ĐKDT, như Lịch sử 740 thí sinh ĐKDT để lấy 150 chỉ tiêu (hệ số ''chọi'' 1/4,9); Triết học 486 thí sinh ĐKDT/125 chỉ tiêu (hệ số ''chọi'' 1/3,4); Khoa học vật liệu 333/100 (hệ số ''chọi'' 1/3,3); Vật lý 1.536/300 (hệ số ''chọi'' 1/5); Địa chất 828/150 (hệ số ''chọi'' 1/5); Ngữ văn Trung Quốc: 296/150 (hệ số ''chọi'' 1/1,9); Giáo dục học: 384/100 (hệ số ''chọi'' 1/3,8).

Các trường ĐH dân lập vốn có số thí sinh ĐKDT hàng năm không cao, năm nay còn thấp hơn. Ngoài một số trường chỉ xét tuyển dựa theo kết quả thi từ các trường ĐH công lập, các trường có tổ chức thi tuyển sinh như ĐH Mở bán công TP.HCM năm nay chỉ có khoảng 8.500 thí sinh ĐKDT, với chỉ tiêu 3.000 (hệ số ''chọi'' 1/2,8). Hệ số ''chọi'' của ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cũng chỉ là 1/4,2 (6.300 thí sinh ĐKDT, chỉ tiêu 1.600), trong khi năm 2001 con số này là 1/9,5. ĐH dân lập Công nghệ Tôn Đức Thắng có hệ số ''chọi'' 1/3 (5.000 hồ sơ ĐKDT/1.600 chỉ tiêu). ĐH dân lập Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, hệ số ''chọi'' 1/2,6 (3.500 hồ sơ/1300 chỉ tiêu).

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo tuyển sinh (Bộ GD-ĐT), sở dĩ xu hướng chọn trường của thí sinh có nhiều thay đổi và số lượt thí sinh ĐKDT giảm mạnh là do năm nay chỉ có 1 đợt thi vào các trường cùng khối ngành; thí sinh buộc phải cân nhắc kỹ khi chọn trường dự thi và đăng ký xét tuyển (chủ yếu nhằm vào nguyện vọng 1; nguyện vọng 2, 3 chỉ để dự phòng). Với những chuyển biến tích cực như vậy của kỳ tuyển sinh 2002, Bộ GD-ĐT có thể mạnh dạn cải tiến lề lối thi cử bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo.

Theo Thế Giới Mới

Các tin tức khác
  1. Hôm nay, 1,27 triệu học sinh thi tốt nghiệp THCS
  2. Điều kiện chấm phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT
  3. Điện thoại nóng dành cho học sinh luyện thi ĐH
  4. Vụ thi hộ vào ĐH ngoại ngữ: phát hiện thêm 48 trường hợp vi phạm
  5. TP.HCM: Khởi động mùa… ''chạy trường''
  6. Tuyển sinh THCN 2002: Lượng tăng, chất có tăng?
  7. Các hội đồng tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn lúng túng với bài toán CNTT
  8. TP.HCM: ''Căng thẳng'' chỗ trọ mùa thi
  9. Được phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT nếu điểm thi thấp hơn điểm trung bình cả năm 2 điểm
  10. Sao in đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ: Trách nhiệm ''đá đè''

Xem tiếp: 1 2 3 4 5 6 7 8 9


 Copyright 2002 by VASC, All rights reserved. Contact us: e-School Webmaster
 99 Trieu Viet Vuong, Hanoi, Vietnam. Tel: 84-4-9782235, Fax: 84-4-9780636