Tobicom & pho-L
  | Trang chủ | Lớp học trực tuyến | Thư viện kiến thức | Tư vấn hướng nghiệp | Câu lạc bộ | Chuyên gia tư vấn |
Giới thiệu dịch vụ
Thông tin cần biết
Thông tin trường học
Cùng góp ý
Hướng dẫn sử dụng
Hỗ trợ trực tuyến
Danh sách đại lý Educard
   
   
   
   
   
   
   

Thí sinh đăng ký thi ĐH, CĐ tăng, giảm đột biến

Thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT vừa đưa ra khiến nhiều người giật mình: Tổng số lượt thí sinh (TS) đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ năm 2002 chỉ đạt 63,5% so với năm ngoái, trong khi có trường, số thí sinh ĐKDT tăng 139%. VASC Orient đã trực tiếp đến một số trường ĐH có số lượng thí sinh ĐKDT đột biến để tìm hiểu thực tế này.

Nổi bật là một vài trường mà tỷ lệ hồ sơ đã nhận so với năm trước giảm thật bất ngờ như: Trường ĐH Luật Hà Nội giảm gần một nửa (49%), ĐH Sư phạm Hà Nội giảm 26%... Đi ngược lại với xu hướng giảm chung, số TS nộp hồ sơ lại tăng đột biến ở một số trường như: ĐH Kinh tế quốc dân tăng 113%, ĐH Y Hà Nội tăng 139%...

- Nguyên nhân nào đã khiến tỷ lệ TS tăng, giảm đột biến như vậy?

Ông Lê Minh Tân, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội: ''Mọi năm, TS thi khối A vào trường chiếm đa số bởi các trường có khối A thi chéo nhau làm nhiều đợt. ĐH Luật thường thi sau Bách khoa, Kinh tế quốc dân... Năm nay ít đợt thi, chỉ có một đợt cho khối A và một đợt khối C. Vì vậy, dĩ nhiên TS thi khối A đã phải cân nhắc rất nhiều. Nói vậy không có nghĩa là số TS nộp hồ sơ thi khối C của trường tăng mà thực tế là khối C cũng giảm. Lý giải điều này chỉ có thể nói là do hình thức tổ chức thi mới của năm nay đã phát huy tác dụng tích cực ngay từ khâu đầu tiên - khâu ĐKDT... Đây là một bài toán hay vì tuy số lượng ĐKDT giảm nhưng con số thực thi vào trường, theo tôi nghĩ, vẫn đông. Chỉ khi TS ngồi vào bàn thi nào chính là nguyện vọng của họ thì mới biết được''.

Ông Đinh Quang Báo, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: ''Có thể là do từ năm 1998 đến nay điểm lấy vào thường rất cao nên chỉ những học sinh cực kỳ tự tin mới dám nộp đơn nguyện vọng 1 vào trường. Nhất là khối A của trường năm nay số ĐKDT chỉ bằng một nửa năm ngoái. Tôi dám khẳng định, ngoài nguyên nhân chung còn một nguyên nhân tâm lý vì khối A thực sự khó thi. Có câu chuyện thật như thế này, khi tôi về quê, một ông bạn bảo: ''Thằng con tôi nó dốt, không thi khối A được đâu, thôi thì cho nó thi khối C''. Câu chuyện này phản ánh một sự thật là nhiều người cho rằng khối C dễ hơn vì toàn các môn học thuộc lòng, trừu tượng, có thể bịa được hoặc quay cóp được, xác suất may rủi nhiều, trong khi khối A nếu không hiểu bài thì chỉ có nước ngồi cắn bút. Chính vì vậy mà khi buộc phải lựa chọn thì số lượng TS đăng ký thi khối A đã giảm, còn các khối khác gần như không đổi so với mọi năm''.

Ông Phạm Văn Khiêm, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân: ''Năm nay lượng hồ sơ nộp vào trường tăng 113% so với năm trước, theo tôi là vì năm nay trường bắt đầu tiến hành tuyển sinh theo ngành. Nếu như mọi năm TS được tuyển vào trường dựa theo một điểm chuẩn chung thì năm nay sẽ có 5 mức điểm chuẩn theo 5 ngành khác nhau. Còn nguyên nhân nào nữa thì tôi không biết. Những khen chê về trường nên để cho người ngoài nhận xét thì chính xác hơn''.

Ông Đỗ Trần Phượng, Chuyên viên phòng Đào tạo, Trường ĐH Y Hà Nội: ''Theo nhận định của cá nhân tôi, việc năm nay TS quyết định nộp hồ sơ vào trường tăng nhiều như vậy là có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, năm nay trường có 2 khối thi độc lập: A và B (khác ngày nhau). Hai khối này lại trùng nhau môn Toán, Hóa, và khu vực Hà Nội lại ít trường khối B. Do đó, sau khi thi xong khối A của trường, tỷ lệ TS tiếp tục chuyển sang thi khối B rất nhiều. Thứ hai, điểm chuẩn của trường rải rất xa từ ngành nọ sang ngành kia. Ví dụ: Ngành Bác sĩ răng - hàm - mặt lấy 23 điểm trong khi hệ Cử nhân xét nghiệm chỉ lấy có 16 điểm. Đấy là chưa kể năm nay Bộ Y tế và Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT) còn mở thêm trường ĐH Y tế công cộng thu hút 4.000 TS đã ĐKDT. Nếu không tách riêng như vậy thì lượng TS nộp hồ sơ vào trường ĐH Y Hà Nội có thể còn tăng 200% chứ không phải 139% như hiện giờ''.

- Dù tăng hay giảm, các trường có cho rằng đó cũng chỉ là một ''con số ảo'' không? Các trường có khó khăn gì trong việc đối phó với ''con số ảo'' và dự kiến con số thật sẽ như thế nào?

Ông Lê Minh Tân, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội: ''Những năm trước, lượng TS nộp hồ sơ vào trường đông nhưng cuối cùng số thực thi cũng chỉ đạt 70%. Năm nay, lượng hồ sơ ĐKDT giảm đáng kể nhưng chúng tôi lại phỏng đoán con số thực thi sẽ trong khoảng 75-80%. Như vậy cũng không có gì là ''ảo'' mà theo tôi lại còn rất sát thực. Vì thế, chúng tôi chưa thấy có khó khăn gì, nhất là trong vấn đề địa điểm thi, phòng thi. Chỉ khác là mọi năm chúng tôi thường xếp 35 TS/phòng nhưng năm nay chỉ xếp 30 - 31 TS/phòng để được rộng rãi, đỡ vất vả cho các giám thị''.

Ông Đinh Quang Báo, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: ''Năm ngoái, tỷ lệ TS đến thi là 75%. Năm nay, số đăng ký nhiều hơn nhưng theo tôi dự đoán tỷ lệ thực thi cũng xấp xỉ như vậy. Chúng tôi thừa rất nhiều phòng thi, nhất là ở đợt 1 (khối A). Giảm các phòng thi kéo theo giảm một loạt các chi phí liên quan là một việc hết sức tích cực do quy chế tuyển sinh mới mang lại''.

Ông Phạm Văn Khiêm, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân: ''Năm ngoái, gần 80% số TS đăng ký đã đến dự thi. Năm nay, tuy lượng hồ sơ tăng cao nhưng dự kiến cũng chỉ 75% số đó là sẽ đến thi thực sự. Trường thuê thừa rất nhiều phòng thi và hiện nay đang tiến hành trả bớt khoảng 1.000 chỗ. Đây rõ ràng là biểu hiện tích cực, trực tiếp đem lại lợi ích cho các trường''.

Ông Đỗ Trần Phượng, Chuyên viên phòng Đào tạo, Trường ĐH Y Hà Nội: ''Hồ sơ nộp vào trường nhiều như vậy nhưng đây không thể là con số thật mà số thực thi chắc chắn phải ít hơn. Đây cũng là điều rất bình thường. Nếu nói ''ảo'' căn cứ vào lượng hồ sơ thì những năm trước mới đúng là ''ảo'' vì TS thoải mái nộp hồ sơ vào rất nhiều trường, còn năm nay rõ ràng TS phải cân nhắc nhiều hơn. Hình thức tổ chức tuyển sinh mới này là rất tích cực tuy rằng có hơi đột ngột. TS chỉ được biết trước vào khoảng 5 tháng. Giá mà các em được thông báo trước ít nhất 1 năm thì tốt hơn''.

Qua các cuộc tiếp xúc, VASC Orient nhận thấy rằng các trường đều không hề ngạc nhiên hoặc lo lắng trước những tăng, giảm bất ngờ về số lượng thí sinh ĐKDT. Trường có con số tăng cũng mừng mà trường có con số giảm cũng mừng. Dường như ''sự thật đúng là phải như vậy'' và đã lâu lắm rồi, năm nay nhờ có quy chế mới, các trường mới tìm thấy được ''sự thật'' ấy.

VASC Orient

Các tin tức khác
  1. Hôm nay, 1,27 triệu học sinh thi tốt nghiệp THCS
  2. Điều kiện chấm phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT
  3. Điện thoại nóng dành cho học sinh luyện thi ĐH
  4. Vụ thi hộ vào ĐH ngoại ngữ: phát hiện thêm 48 trường hợp vi phạm
  5. TP.HCM: Khởi động mùa… ''chạy trường''
  6. Tuyển sinh THCN 2002: Lượng tăng, chất có tăng?
  7. Các hội đồng tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn lúng túng với bài toán CNTT
  8. TP.HCM: ''Căng thẳng'' chỗ trọ mùa thi
  9. Được phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT nếu điểm thi thấp hơn điểm trung bình cả năm 2 điểm
  10. Sao in đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ: Trách nhiệm ''đá đè''

Xem tiếp: 1 2 3 4 5 6 7 8 9


 Copyright 2002 by VASC, All rights reserved. Contact us: e-School Webmaster
 99 Trieu Viet Vuong, Hanoi, Vietnam. Tel: 84-4-9782235, Fax: 84-4-9780636