Khi giữa cha mẹ và con cái không nhất trí quan điểm về một vấn đề nào đó, cha mẹ không chịu thay đổi ý kiến của mình, trong đa số các trường hợp, phản ứng đầu tiên của các bạn trẻ là nổi nóng hoặc đôi co, lý lẽ với cha mẹ, cũng có bạn gặp trường hợp này chỉ lo chuồn thẳng, bất cần phải trái. Các bạn ít khi bình tĩnh nghĩ thử xem, vì sao cha mẹ lại có ý kiến bất đồng, thậm chí có ít khi cũng không cần tìm hiểu xem thực chất ý tứ của cha mẹ là thế nào.
Nói chung, người càng lớn tuổi, kinh nghiệm cuộc sống càng nhiều, suy nghĩ càng thấu đáo hơn. Đương nhiên, kèm theo đó cũng dễ sinh ra cách nhìn cứng nhắc, bảo thủ, thậm chí lệch lạc. Còn các bạn trẻ, từng trải cuộc đời ít, trong tư duy chưa hình thành nhiều nếp hằn của cách nghĩ, dễ tiếp thu cái mới, quan điểm mới, suy nghĩ cũng tương đối nhạy bén. Tuy nhiên, do từng trải cuộc sống chưa nhiều, các bạn trẻ khi suy nghĩ vấn đề dễ phiến diện, nông cạn. Nếu như các bạn và cha mẹ của mình có thể nhận rõ được mặt mạnh, mặt yếu của mỗi lớp người, cố gắng hiểu được phần hợp lý trong ý kiến của bên kia, bạn và cha mẹ của mình chẳng những có thể “biến cung tên thành vải lụa” mà còn có thể học tập được nhiều điều bổ ích từ cha mẹ.
Con người nhìn sự việc từ góc độ nào thường có liên quan với những từng trải trong quá khứ và tình trạng hiện nay của người đó. Vì vậy hiểu được những từng trải của cha mẹ, bạn sẽ thông cảm với cha mẹ. Bạn có thể bình tĩnh suy nghĩ, xem cách nghĩ của cha mẹ là thế nào, vì sao cha mẹ bạn lại có cách nghĩ như vậy? Nếu như bạn cho rằng quan điểm của mình rất có lý, bạn cũng nên xem quan điểm của cha mẹ có lý hay không. Trường hợp câu trả lời là có, tốt nhất trước tiên bạn nên công nhận lý lẽ của cha mẹ, sau đó bạn trình bày ý kiến của mình; Cho dù bạn cho rằng quan điểm của cha mẹ hoàn toàn không đúng, bạn cũng không nên dùng những lời lẽ châm biếm, đối đầu và thô lỗ với cha mẹ, để tránh làm tổn thương cha mẹ. Thái độ thiếu tôn trọng chẳng những có thể làm cha mẹ không thay đổi ý kiến cố chấp của mình, mà còn có thể làm cho bạn và cha mẹ sinh ra những mầm mống xa lánh thậm chí là đối đầu. Khi quan điểm của bạn và cha mẹ không nhất trí, cách tốt nhất là kiềm chế những kích động của mình, đợi đến khi nào bình tĩnh sẽ thảo luận vấn đề. Thuyết phục được cha (hoặc mẹ) rồi, đề nghị cha (hoặc mẹ) đi giải thích, thuyết phục mẹ (hoặc cha), làm như vậy tốt nhiều so với cách bạn đối đầu với cả hai cha mẹ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm dịp thuận lợi mời một vài bạn tốt đến nhà cùng thảo luận vấn đề này, để các bạn của bạn phát biểu ý kiến của mình và mời cha mẹ bạn cùng tham gia. Nếu như cha mẹ bạn thấy bạn và các bạn của mình có cùng cách nghĩ và quan điểm, họ sẽ hiểu và tiếp thu ý kiến của bạn, vì cha mẹ bạn thường không có cách cư xử kiểu gia trưởng như với con của mình, có thể sẽ tương đối khách quan nghe ngóng ý kiến của “người ngoài”.
Cuối cùng bạn phải luôn ghi nhớ rằng, cũng như bạn, cha mẹ có quyền giữ vững ý kiến và cũng có quyền tỏ rõ tình cảm không vui của mình. Là con cái, bạn phải tôn trọng cái quyền ấy, có như vậy cha mẹ mới tôn trọng quyền của bạn. Trong quá trình thảo luận với cha mẹ bạn phải ghi nhớ: nhượng bộ lẫn nhau là điều cần làm, và con cái phải nhượng bộ nhiều hơn một chút.
Cha mẹ xem trộm nhật ký hoặc thư từ của con cái, có đúng không?
Cha mẹ tự ý xem trộm thư từ riêng và nhật ký của con cái là không đúng. Sau khi xem xong, cha mẹ thường cảm thấy yên tâm, nhưng sự ngăn cách giữa cha mẹ và con cái thì ngược lại càng sâu sắc thêm. Cảm giác không tín nhiệm của con cái với cha mẹ cũng tăng lên, làm cho ý thức đề phòng của con cái với cha mẹ cũng nặng nề hơn. Cha mẹ muốn tìm hiểu thế giới nội tâm và mối quan hệ của con cái mà lại xem trộm nhật ký và thư từ của con cái rõ ràng không phải là một phương pháp tốt.
Tuy nhiên chúng ta biết rằng, hành vi của bất cứ người nào đều có động cơ điều khiển, bất cứ điều gì đều có quan hệ nhân quả. Vì sao cha mẹ lại muốn xem trộm nhật ký và thư từ của con cái? Là để bắt lỗi và trừng phạt con cái ư? Đại đa số không phải là như thế. Làm cha mẹ có cái khó của cha mẹ, nhất là cha mẹ của những con cái đang ở tuổi mới lớn. Nhìn thấy con cái ngày một lớn lên, sinh lý đang dần dần trưởng thành, nhưng tâm lý còn ấu trĩ và chưa ổn định. Điều càng làm cho cha mẹ lo âu là con cái tự cho mình đã khôn lớn thành người, tự hình thành nhân cách cho mình. Đối với những lời khuyên của cha mẹ, chúng thường im lặng, ngăn kéo riêng khoá lại, điện thoại cho cha mẹ cũng thường giấu diếm cha mẹ, ngoài cách dùng từ “vâng” hoặc “không“ đơn giản để đáp lại những lời khuyên của cha mẹ, chúng thường rất ít tâm sự với cha mẹ. Hàng loạt những biểu hiện như vậy rất tự nhiên sẽ làm cho cha mẹ lo lắng và nghi ngại. Cha mẹ thường rất muốn tìm hiểu xem trong lòng con cái nghĩ gì, ở bên ngoài chúng làm gì, có kết giao với những bạn bè xấu không, có “yêu sớm” không? Các bậc cha mẹ hiểu biết sâu sắc rằng xã hội phức tạp, con cái còn ít tuổi thiếu khả năng phân biệt và khả năng “miễn dịch”, rất dễ đi vào con đường xấu. Cha mẹ không có cách để tìm hiểu con cái bằng con đường khác, đành phải dựa vào thư từ và nhật ký của chúng. Làm cha mẹ đúng là cũng có cái khó! Con cái có biết được nỗi lòng lo lắng của cha mẹ muốn tìm hiểu con cái nhưng lại không có cách để tìm hiểu không?
Vì vậy, trách cứ sai lầm của cha mẹ là điều vô ích. Con cái nên chủ động gắn bó và chuyện trò với cha mẹ. Lúc ăn uống, khi xem truyền hình đều là cơ hội tốt để tâm tình. Hãy kể với cha mẹ về tình hình nhà trường, tình hình bạn bè, hãy nói về cách nhìn nhận của mình với một vấn đề nào đó; hiểu được những chuyện như vậy, cha mẹ tự nhiên sẽ yên tâm và vững lòng, sẽ không cần phải tìm cách xem thư từ và nhật kí của con cái.
Chúng ta chẳng phải vẫn thường nói “sự hiểu biết lẫn nhau là vô cùng quý giá” hay sao? Xã hội ngày nay luôn nhắc nhở cha mẹ phải hiểu biết con cái, nhất là ở những nhà con một; Nhưng ngược lại, con cái cũng phải hiểu cha mẹ, bao gồm hiểu được tấm lòng vui buồn, hiểu được những kinh nghiệm và cảm nhận đến từ một thời đại khác, thậm chí phải hiểu được những xúc cảm không vui mà cha mẹ mang từ bên ngoài về. Phải học cách đối xử với cha mẹ như đối xử với bạn bè, giúp cha mẹ khuây khoả, vững lòng, bởi vì con người ở tuổi mới lớn, xét cho cùng đã là “một nửa người lớn” rồi.
Nên có thái độ như thế nào với cha mẹ lắm lời?
Các bạn trẻ ở tuổi mới lớn ghét nhất việc lắm lời, không thích nghe lời nói nhiều lần, cũng giống như không thích xem đi xem lại một cuốn phim, không thích ăn mãi một món ăn. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng có một số các bạn trẻ thường nói đâu bỏ đấy, trước mặt vừa hứa làm tốt việc này việc kia, vừa quay người đi đã cho lời hứa bay lên chín tầng mây. Còn có một số các bạn sống theo cách “mình làm theo ý mình”, việc cha mẹ nói là việc của cha mẹ, việc con làm là việc của con. Rõ ràng ý kiến của cha mẹ là đúng, nhưng con cái vẫn mặc kệ vẫn để cho gió thổi ngoài tai, không nghe. Như vậy thì không thể trách cha mẹ lắm lời. Thử nghĩ xem các thầy, cô giáo khi nói đến chỗ khó hoặc chỗ trọng điểm trong kiến thức, chẳng phải là không chỉ nói một lần sao? Vậy thì cha mẹ nói đi nói lại có thể cũng là chỗ khó hoặc chỗ quan trọng trong cuộc sống! Ví dụ nhắc nhở các bạn phải học hành cho tốt, không được “yêu sớm”, nhắc nhở các bạn không được giao lưu với những người xấu, nhắc nhở các bạn sau khi tan học không nên la cà quá lâu ở bên ngoài, để tránh xảy ra những việc ngoài ý muốn, nhắc nhở, yêu cầu các bạn phải tôn trọng thầy, cô giáo, phải đoàn kết bạn bè…tất cả những điều đó là có lợi cho học tập, cho cuộc sống, để làm người tốt, làm việc tốt. Khi các bạn cảm thấy chán ngán những lời nói đi nói lại của cha mẹ, có thể các bạn đã bỏ mất phần quý giá nhất là nội dung của những lời nói ấy! Cách tốt nhất để không phải nghe những điều lắm lời là: Cha mẹ nói đúng, hãy tỏ thái độ tán thành và làm theo; nói không đúng, hãy trình bày, giải thích, thậm chí có thể góp ý sửa sai, nhằm làm cho cha mẹ hiểu rằng, ý kiến sai cho dù nói đến một trăm lần, con cái cũng không thể nghe thủng, càng không thể làm theo.
Đương nhiên, cũng không loại trừ có một số cha mẹ có thói quen lắm lời. Con cái đã làm đúng, vẫn cứ dặn đi dặn lại. Khi đó, các bạn nên nghĩ đến điều này: có phải cha mẹ không vừa lòng với điều gì khác của mình không? Có phải bạn ít chuyện trò, tâm sự với cha mẹ không? Cho nên cha mẹ vẫn chưa thật yên tâm với những vấn đề khác của bạn, và hãy chuyện trò tâm sự nhiều hơn với cha mẹ, nói ra cách nhìn của bạn với một số vấn đề, cũng nói rõ bạn không vừa lòng với việc lắm lời của cha mẹ, có lẽ cha mẹ sẽ nhận ra cái tật của mình. Nếu như cha mẹ bạn vẫn không bớt lời, thì lần sau, khi cha mẹ lại muốn nhiều lời, bạn hãy nhắc lại một lần đoạn sau mà cha mẹ muốn nói, lúc đó cha mẹ bạn sẽ hiểu ra rằng lời nói lần trước bạn đã nghe và nhớ rồi, cha mẹ bạn sẽ không lắm lời nữa.
Làm thế nào để cha mẹ hiểu được quan hệ giao lưu bình thường giữa bạn với người khác giới?
Không ít bậc cha mẹ rất dị ứng với việc giao lưu của con cái mình với người khác giới, sợ con cái “yêu sớm”, sợ ảnh hưởng học tập, nhất là sợ sẽ có quan hệ vượt phạm vi bình thường, gây ra những hậu quả xấu. Do đó, phụ huynh thường rất chú ý đến quan hệ của con cái mình với bạn khác giới và giữ thái độ hết sức cảnh giác.
Tuy nhiên, bạn trẻ lại không thể thiếu được mối giao lưu với bạn khác giới. Đó là dấu hiệu sinh lý của các bạn đang tiến dần tới chín muồi, phù hợp với đặc điểm phát triển cơ thể và tâm hồn, đó cũng là một cách không thể thiếu được để các bạn thích ứng với xã hội, nhận thức được thế giới và nhận thức được bản thân, là một việc rất có ích cho việc hoàn thiện bản thân, thúc đẩy việc bù đắp, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai giới.
Vậy làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu chính đáng với việc cha mẹ không hiểu và lo lắng này?
Việc giải quyết mâu thuẫn này một phần lớn quyết định bởi thái độ và hành vi hàng ngày của các bạn trẻ.
Nếu như các bạn trẻ có mục tiêu và lý tưởng cao cả, chăm chỉ học hành, thành tích học tập tốt, có nhận thức đúng đắn với bạn khác giới, không rơi vào “yêu sớm”, việc giao lưu với các bạn khác giới cũng bình thường như với các bạn cùng giới, mục đích là tình bạn, cha mẹ sẽ yên tâm và không can thiệp vào nữa.
Phương thức giao lưu với các bạn khác giới cũng quyết định mức độ yên tâm của cha mẹ. Bạn trẻ phải dùng phương thức tập thể giao lưu với bạn khác giới, tránh gặp gỡ đơn lẻ “một với một”. Cá biệt có bạn khác giới đến nhà, bạn nên giới thiệu với cha mẹ một cách đoàng hoàng và không quá cẩn thận ý tứ, không nên ấp úng, úp mở. Nếu không, cha mẹ bạn sẽ sinh nghi. Nếu như có bạn khác giới nào đó “có lòng” với bạn, có ý muốn tìm cơ hội tiếp xúc với bạn, bạn cũng không nên giấu diếm cha mẹ, nên nói rõ thái độ của mình với cha mẹ và giữ quan hệ bình thường với bạn. Quan hệ với bạn khác giới bằng phương thức tập thể có thể mở rộng hiểu biết của mỗi một người, đó là môi trường tốt để bồi dưỡng kiến thức về việc quan hệ với người khác giới, cũng là cách quan hệ với bạn khác giới mà cha mẹ dễ tiếp nhận.
Cha mẹ có ủng hộ giao lưu của bạn với bạn khác giới hay không cũng có quan hệ với việc hàng ngày bạn có thường xuyên chuyện trò, tâm sự với cha mẹ mình hay không. Có nhiều bạn trẻ tự cho rằng mình đã lớn, đã chín chắn, do đó quan hệ với cha mẹ cũng xa cách dần. Hàng ngày, các bạn đi về vội vàng, bận rộn, khi ở nhà cũng thường ở trong phòng riêng, tuy cùng sống với cha mẹ trong một mái nhà nhưng giống như ở hai thế giới. Mỗi một cử chỉ của con cái đương nhiên sẽ làm cho cha mẹ quan tâm và lo lắng. Ở những gia đình chan hoà, thông cảm, cha mẹ thường có thái độ rộng rãi và yên tâm với các mối giao lưu của con mình.
Ngoài ra, phẩm chất, tư cách, lời ăn tiếng nói của người bạn khác giới mà bạn có quan hệ cũng quyết định mức độ tiếp thu của cha mẹ với mối giao lưu ấy. Với người bạn khác giới có cử chỉ văn minh, lễ phép, cha mẹ sẽ có cảm giác an toàn và yên tâm, nói chung sẽ không cản trở mối giao lưu của con mình với bạn.
Tóm lại, chỉ trừ một số rất ít cha mẹ có trình độ văn hoá thấp, không thấu tình đạt lý, còn nói chung mức độ chấp nhận mối giao lưu của con mình với bạn khác giới có quan hệ với thái độ, cách thức quan hệ của con mình và biểu hiện của người khác giới kia.
Vì sao có học sinh trung học bỏ nhà ra đi?
Học sinh trung học bỏ nhà đi hoang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Có em một mình bỏ nhà ra đi, có khi kết bè ra đi. Bất kể ra đi dưới hình thức nào, đều không nên để xẩy ra và đều hết sức nguy hiểm. Khi đã ra đi, là muốn trốn tránh những vấn đề mâu thuẫn hoặc muốn đạt được một mục đích nào đó của mình, nhưng kết quả thường thường lại làm cho vấn đề càng thêm phức tạp, thậm chí có thể gây ra những hậu quả không thể giải quyết nổi. Thứ nhất ra đi mà không từ biệt, làm cho phụ huynh và thầy, cô giáo lo lắng. Họ lo sợ về việc bạn ở bên ngoài có an toàn không, tất nhiên sẽ đi tìm kiếm ở khắp nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công tác, gây ra những dày vò về tinh thần. Thứ hai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học hành của bản thân người ra đi. Học sinh trung học chưa độc lập về kinh tế, không thể gánh vác được những chi phí cần thiết cho ăn ở. Có em khi hối hận rồi muốn trở về, nhưng trong người không một đồng xu dính túi. Có em đành phải lang thang đầu chợ cuối phố, có em dù tạm thời trốn tránh ở nhà người thân thuộc nhưng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng nặng nề đến việc học hành. Thứ ba, học sinh trung học chưa thành niên, nếu gặp những kẻ xấu rất dễ bị đe doạ, dụ dỗ, đi vào con đường lầm lạc, phải làm những việc bản thân các em không muốn làm, có em còn bị mang ra mua bán. Vì vậy, học sinh trung học bỏ nhà ra đi là con đường dứt khoát các em không được đi vào.
Học sinh bỏ nhà ra đi, có trách nhiệm của các bậc cha mẹ, nhưng cũng có trách nhiệm của bản thân các em. Có gia đình quan hệ giữa vợ chồng luôn luôn căng thẳng thường xuyên nổ ra “chiến tranh” hoặc ở tình trạng “chiến tranh lạnh”, không hề để ý tâm lý của con cái. Các em luôn sống trong tâm lý căng thẳng, buồn khổ, lo lắng, cô đơn và xa lánh cha mẹ; có em chẳng những không được hưởng tình yêu thương chăm sóc của cha mẹ mà thường xuyên bị chửi mắng. Có gia đình quản lý giáo dục con cái không đúng cách, nghiêm khắc quá hoặc buông lỏng quá, làm cho các em hư hỏng. Tất cả những điều đó đã làm cho các em sinh ra những tật xấu, trong đó có việc hình thành ý nghĩ bỏ nhà ra đi. Về phía con cái, có em có những cá tính xấu: tình cảm không tốt, nóng nảy, sống không có mục đích, dễ bị kích động; có những em bị kích động bởi tính mạo hiểm, tính hiếu kỳ, muốn thoát khỏi cuộc sống bình thường, đi tìm cái gọi là “mới mẻ”. Tập thể bỏ nhà ra đi đa số thuộc loại này. Có em bỗng nhiên lâm vào một hoàn cảnh éo le nào đó, như làm hỏng một thứ đồ quý giá của gia đình, nhận được giấy báo kết quả học tập kém, đánh nhau với một bạn khác…cá biệt có em lấy việc bỏ nhà ra đi để hù doạ cha mẹ, đòi cha mẹ phải nhượng bộ một việc gì đó.
Bất kể xuất phát từ nguyên nhân nào, trách nhiệm tại ai, việc bỏ nhà ra đi là hành động quá khích, không giúp gì để giải quyết vấn đề. Xây dựng tác phong dân chủ và không khí chan hoà ấm áp trong gia đình là điều kiện về môi trường để tránh hiện tượng học sinh bỏ nhà ra đi. Về mặt nhân cách, con cái bình đẳng với cha mẹ, cha mẹ phải tôn trọng con cái, lắng nghe những ý kiến đúng đắn của con cái. Dùng thái độ thô bạo và đánh chửi khi con cái có sai phạm chỉ làm cho quan hệ giữa cha mẹ và con cái căng thẳng, tăng thêm sự xa cách. Mặt khác con cái cũng phải chủ động, chuyện trò, giao lưu với cha mẹ. Bạn trẻ phải biết cách bầy tỏ ý kiến và yêu cầu của mình với cha mẹ, có tranh luận và cách nhìn nhận khác nhau là việc bình thường, có thể thống nhất với nhau những vấn đề lớn, bỏ qua những việc nhỏ. Con cái phải nhẫn nại chịu đựng những hiểu lầm tạm thời của cha mẹ. Bản thân gặp những vấn đề khúc mắc khó giải quyết, suốt ngày đắn đo suy nghĩ mà vẫn không tìm ra cách gì, sao không cầu cứu cha mẹ là người gần gũi và quan tâm, yêu thương bạn nhất? Những mâu thuẫn do sai lầm của mình gây ra cũng không nên giấu diếm, kịp thời nói ra sự thật, thành khẩn xin mọi người hiểu rõ và chỉ dẫn, cũng không phải là việc làm mất mặt.
Nếu như quan hệ của bạn với cha mẹ thường ngày không tốt, thực sự khó mở lời nói với cha mẹ, bạn hãy tìm đến những người thân thuộc hoặc bạn bè của cha mẹ để tâm sự cũng là điều rất tốt.
Các bạn trẻ chưa từng trải cuộc đời, các bạn hãy yêu quý gia đình của bạn, yêu quý cha mẹ của bạn!
|