Tuổi dậy thì là thời kì quá độ từ tuổi nhi đồng sang tuổi trưởng thành, trong khoảng từ 10 đến 20 tuổi. Ở tuổi này chức năng giới tính bắt đầu phát triển và phát triển cho đến chín muồi. Dưới đây là những biến đổi cơ thể của các bạn nữ trong thời kì này:
9 – 10 tuổi: Xương chậu dần nở rộng ra, phần mông trở nên tròn trịa, tuyến mỡ da tiết ra nhiều, đầu vú dần dần nhú lên.
10 –11 tuổi: Phần ngực bắt đầu nổi lên, trở thành dạng khối.
11 – 12 tuổi: Lông ở cơ quan sinh dục bắt đầu mọc ra ngắn và thưa, đầu vú nổi lên, xuất hiện bầu vú.
13 –14 tuổi: Bắt đầu có kinh nguyệt (có người sớm 1, 2 năm; có người muộn 1, 2 năm), nách bắt đầu mọc lông, xương phát triển, cơ thể cao lên nhanh.
14 -15 tuổi: Xương chậu rộng ra rõ rệt, buồng trứng của cơ quan sinh dục trong mỗi tháng rụng một trứng, bước đầu hình thành chu kỳ kinh nguyệt.
16 – 20 tuổi: Đầu xương ngừng phát triển, tốc độ tăng cao chậm đi, trên mặt có trứng cá.
Cần phải nói rõ là, giới tính và mức độ phát triển của mỗi một bạn gái không hoàn toàn giống nhau. Thời gian trên đây chỉ là nói chung, nếu như sự phát triển của bạn sớm hơn hoặc muộn hơn 1, 2 năm không có gì phải lo lắng, vẫn thuộc phạm vi bình thường.
Vì sao bạn gái lại có kinh ? Kinh nguyệt hình thành như thế nào?
Kinh nguyệt là một hiện tượng của sự sống, có quy luật chặt chẽ, nó được hình thành do phương thức truyền bá nòi giống của mình. Loài người sinh con để duy trì nòi giống, nơi sinh ra và lớn lên của thai nhi là tử cung – cơ quan sinh dục của người mẹ. Để cho một sinh mạng mới có “chỗ nằm” và lớn lên, màng trong của tử cung phải luôn có những thay đổi theo chu kỳ. Khi người con gái bước vào tuổi dậy thì, buồng trứng bắt đầu tiết ra hai loại hormone là kích thích tố nữ và xeton hoàng thể, kích thích màng trong của tử cung xẩy ra những thay đổi.
Đa số bạn gái có kinh lần đầu tiên vào lúc 12 – 15 tuổi, cũng có người có kinh sớm khi mới 9 –10 tuổi; có người có kinh muộn khi đã ở tuổi 16 –17. Tất cả những trường hợp đó đều bình thường. Tuy nhiên nếu bạn gái trên 17 tuổi mà vẫn chưa có kinh thì nên đến bệnh viện đề nghị bác sĩ phụ khoa kiểm tra xem có điều gì bất thường không. Tuổi có kinh lần đầu của bạn gái do ảnh hưởng của nhiều nhân tố, như môi trường sống, điều kiện dinh dưỡng, tình hình sức khoẻ …Thời gian có kinh thông thường là từ 2 đến 7 ngày, nhiều hơn hoặc ít hơn thời gian đó đều là không bình thường. Tổng lượng xuất huyết mỗi kỳ kinh nguyệt trong khoảng từ 20 đến 100 ml. Có bạn gái lo lắng rằng mỗi tháng mất đi một lượng máu nhiều như vậy có ảnh hưởng đến sức khoẻ không? Thật ra máu kinh không phải dạng xuất huyết với ý nghĩa thông thường. Bởi vì máu kinh là chất phế thải còn lại sau khi huyết dịch đã cung cấp dưỡng chất cho cơ thể, vì vậy, ra máu kinh không có gì hại cho cơ thể; đồng thời do màng trong của tử cung có chứa chất đông máu, do đó máu kinh không thể đông lại được và có màu hơi thâm.
Có kinh nguyệt là một dấu hiệu mới trong đời người con gái. Nó chứng tỏ rằng về mặt sinh lý, bạn đã thay đổi về chất, bạn đã không còn là một bé gái nữa mà đã trở thành một cô gái. Không nên vì thấy có kinh mà hoang mang, trái lại nên vui vẻ tiếp nhận hiện tượng tự nhiên chứng tỏ cơ thể mình đang đi đến giai đoạn trưởng thành. Thậm chí còn phải chúc mừng vì mình đã trở thành một người lớn. Có kinh nguyệt đã là một dấu hiệu tốt lành trong đời người con gái, vậy thì nó rất đáng chúc mừng và tự hào.
Đau bụng kinh xẩy ra như thế nào?
Có một số bạn gái, trong một vài ngày của kỳ kinh nguyệt, cảm thấy đau từng cơn ở phần bụng dưới, thậm chí có thể đau lan đến âm đạo, hậu môn và phần eo. Cũng do đó mà gây ra đau mỏi ở một số bộ phận khác của cơ thể. Có khi còn kèm theo buồn nôn, nôn oẹ, tiểu nhiều, táo bón hoặc tiêu chảy, thậm chí có thể có trường hợp ngất xỉu, đó là những triệu chứng mà y học gọi là “đau bụng kinh”. Ngày nay người ta cho rằng đau bụng kinh có liên quan đến những nhân tố dưới đây:
Thứ nhất là nhân tố tinh thần. Đau là cảm giác chủ quan, cảm giác đau đớn của mỗi người khác nhau rất nhiều. Đối với mức độ đau đớn như nhau, trong thời kỳ kinh nguyệt, có người có thể chịu đựng được, có người tinh thần rất căng thẳng, cảm giác quá mẫn cảm, sẽ cảm thấy rất khó chịu đựng. Rất nhiều bạn gái đau bụng kinh thường chịu ảnh hưởng của bạn bè xung quanh hoặc của mẹ mình, do thiếu nhận thức đúng đắn về kinh nguyệt, cho rằng có kinh sẽ rất đau, rất khó chịu, nhất thiết phải nằm nghỉ, coi có kinh như có bệnh nặng. Kiểu ám thị tâm lý không tốt này đã làm cho các bạn gái rất căng thẳng, vì vậy mà buồn phiền, ức chế, sợ hãi. Ngoài ra những căng thẳng khác như trước khi thi cử cũng gây ra đau bụng kinh.
Thứ hai là nhân tố thể chất. Các bác sỹ phát hiện thấy rằng, có một số bạn gái bình thường không đau bụng kinh, nhưng khi sức khoẻ không tốt, như khi thiếu máu hoặc mắc một chứng bệnh nào đó, thì xuất hiện hiện tượng đau bụng kinh.
Thứ ba là không chú ý vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt. Ví dụ, trong thời kỳ có kinh vận động quá mạnh, nhiễm lạnh, không chú ý ăn uống, ăn những thức ăn kích thích (thức ăn cay, đắng) …Tâm tư buồn rầu, ức chế cũng có thể gây ra đau bụng kinh.
Thứ tư là tử cung phát triển không tốt. Các bạn gái có tử cung phát triển không hoàn hảo, như tỷ lệ giữa các cơ và tổ chức sợi của tử cung không cân bằng, làm cho tử cung co lại bất thường, gây ra đau bụng kinh. Các bạn gái có tử cung phát triển không hoàn hảo, như tỷ lệ giữa các cơ và tổ chức sợi của tử cung không cân bằng, làm cho tử cung co lại bất bình thường, gây ra đau bụng kinh. Có một số bạn gái có miệng cổ tử cung hoặc ống cổ tử cung hẹp, tử cung quá nghiêng lệch, làm cho máu kinh bị tắc nghẽn, không thông, kích thích tử cung co lại quá nhiều gây ra đau bụng kinh.
Thứ năm là cả khối màng trong tử cung bị đẩy ra. Trong thời kỳ kinh nguyệt, thông thường là những mảnh vụn của màng trong tử cung bị đẩy ra cùng với máu kinh. Nhưng có một số bạn gái, khi có kinh, màng trong của tử cung bị tróc ra nguyên khối, do đó máu kinh bị tắc nghẽn, không thông, kích thích tử cung co lại quá mạnh, gây ra đau bụng kinh.
Thứ sáu là nhân tố tuyến tiền liệt. Hormone của tuyến tiền liệt có thể kích thích làm cho cơ và mạch máu của tử cung co mạnh, làm cho tử cung thiếu máu cục bộ và máu kinh không dễ thoát ra được, gây đau bụng kinh.
Thứ bảy là những bộ phận bên cạnh tuyến sinh sản có bệnh, như viêm bàng quan, viêm kết tràng và viêm ruột thừa mạn tính …Vì trong thời kỳ kinh nguyệt xoang chậu bị sung huyết, cũng sẽ gây ra đau bụng kinh.
Thứ tám là cơ quan sinh dục dị hình hoặc có bệnh (tức phủ tạng trong cơ thể có bệnh) cũng có thể gây ra đau bụng kinh.
Đối với những trường hợp đau bụng kinh không phải do cơ quan sinh dục có bệnh, thì nhân tố tinh thần luôn là chính. Loại bỏ được sự sợ hãi, căng thẳng về tinh thần và tăng cường thể chất, đa số những trường hợp đau có thể không chữa mà khỏi. Đã làm như vậy rồi mà đối với một số bạn gái tình trạng đau bụng kinh vẫn không giảm nhẹ, thì khi đến thời kỳ có kinh có thể dùng một vài loại thuốc giảm đau dưới sự chỉ dẫn của bác sỹ, như Atropine, Indomethacin, Mafenamic acid. Cũng có thể dùng thuốc Đông y chữa trị thích đáng. Đông y cho rằng đau bụng kinh là do khí huyết không thông, như khí huyết không đầy đủ, khí trì huyết đọng, hàn ôn xâm nhập tử cung đều có thể gây ra đau bụng kinh. Khi cần thiết có thể dùng phương pháp châm cứu hoặc hormone để chữa trị.
Thời kỳ có kinh các bạn gái nên chú ý giữ gìn sức khoẻ và vệ sinh như thế nào?
Kinh nguyệt có quan hệ chặt chẽ với sức khoẻ. Tuổi có kinh là một thời kỳ đặc biệt trong cuộc sống của các bạn gái. Môi trường bảo vệ có tính axit vốn có của âm đạo bị máu kinh làm loãng đi, vì vậy trong thời kỳ hành kinh, sức đề kháng của toàn thân và cục bộ ở phần cơ quan sinh dục đều bị yếu đi. Do đó, vệ sinh trong thời kỳ hành kinh của bạn gái là vấn đề không thể coi nhẹ. Vậy thì trong thời kỳ hành kinh nên chú ý những mặt nào?
1. Giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục. Trong thời kỳ hành kinh, sức đề kháng của cơ quan sinh dục yếu đi, đồng thời máu kinh lại là môi trường rất tốt cho vi khuẩn sinh sôi nẩy nở và khi đó, vi khuẩn cũng rất dễ ngược lên xâm nhập vào cơ quan sinh dục. Vì vậy trong thời kỳ hành kinh, phải thường xuyên dùng nước nóng để rửa bên ngoài cơ quan sinh dục, việc tắm gội tốt nhất dùng kiểu tắm xối (dùng vòi hương sen), đặc biệt, không nên dùng bồn tắm công cộng.
2. Phải năng thay băng vệ sinh, giấy vệ sinh và quần lót. Phải dùng giấy vệ sinh đã qua khử trùng và băng vệ sinh khô sạch được bảo quản kỹ trong bao gói. Không nên tuỳ tiện để băng, giấy vệ sinh trong túi sách, nhằm phòng tránh nhiễm bẩn.
3. Ăn uống phải phù hợp, ngủ đủ thời gian và chú ý giữ ấm. Nên ăn những thức ăn giầu chất dinh dưỡng, tránh ăn thức ăn kích thích, đắng, cay. Thời kỳ hành kinh rất dễ mệt mỏi, thể lực và tinh lực đều ở trạng thái tương đối kém, do đó phải đảm bảo giấc ngủ đầy đủ. Nhiễm lạnh sẽ làm đọng huyết, kinh mạch không thông, chịu lạnh trong thời kỳ hành kinh dễ gây đau bụng kinh chính là vì nguyên nhân này, do đó phải chú ý giữ ấm.
4. Tránh vận động mạnh. Vận động mạnh hoặc lao động chân tay nặng sẽ làm cho máu ở phần thân dưới chẩy quá nhiều và quá nhanh, tăng nặng tình trạng sung huyết trong khoang chậu, làm cho máu kinh quá nhiều, với người có thể trạng yếu, thậm chí có thể dẫn đến bệnh phụ khoa. Vì vậy, khi học sinh lên lớp giờ thể dục, gặp những vận động nặng phải chủ động xin thầy, cô giáo cho nghỉ, không nên ngượng ngùng xấu hổ. Kinh nguyệt là hiện tượng bình thường của bạn gái, thầy, cô giáo là người có kiến thức về mặt này sẽ rất hiểu. Tuy nhiên với những hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, đánh cầu lông thì có thể tham gia.
Các bạn gái bước vào tuổi dậy thì, không nên vì bắt đầu có kinh mà buồn phiền. Tuy nhiên, nếu như trước ngày hành kinh trong tâm tư có chút cảm giác xáo động thì là chuyện bình thường, đó là do chất nội tiết thay đổi gây ảnh hưởng, có thể qua việc trò chuyện với người khác, xem một vài tiết mục truyền hình nhẹ nhàng vui nhộn hoặc nghe những bản nhạc nhẹ nhàng êm ái…để giải toả tâm tư xáo động. Coi kinh nguyệt là chuyện “không may” là điều không đúng. Càng cho là “không may”, trong lòng lại càng không tự giác tiếp nhận một hiện tượng sinh lý tự nhiên. Giữa các bạn gái cũng không nên nói nhiều về những khó chịu của việc hành kinh, mà nên quan tâm lẫn nhau, cùng nhau khắc phục những xáo động về mặt tinh thần.
Màng trinh là gì? Có phải nó rất quan trọng với người con gái không?
Màng trinh là một màng mỏng ở gần cửa âm đạo của người con gái. Ở giữa màng trinh có một lỗ nhỏ nối thông với âm đạo, kinh nguyệt được chảy qua lỗ này. Hình dạng độ lớn nhỏ, độ dầy mỏng của màng trinh mỗi người một khác, nói chung là hình bán nguyệt hoặc hình vành khuyên, dầy khoảng 2mm, thông thường khi giao hợp sẽ bị rách, kèm theo đau nhẹ và một ít máu chảy ra. Cũng có rất nhiều trường hợp màng trinh tự rách ra mà bản thân người con gái chưa chắc đã biết, như trong lúc cưỡi ngựa, đi xe đạp, thực hiện động tác mạnh khi nhảy múa, đều có thể làm cho màng trinh rách ra.
Những người bảo thủ với quan niệm truyền thống rất coi trọng màng trinh, liên hệ nó với “sự trinh tiết” của người con gái. Trong xã hội phong kiến, người đàn ông khống chế và chiếm hữu người đàn bà, coi họ như là vật tư hữu, lấy màng trinh của vợ để chứng minh sự độc chiếm của mình, họ yêu cầu người phụ nữ trong đêm tân hôn phải “còn trinh”. Quan niệm này đã gây ra những bi kịch cho bao nhiêu người phụ nữ bất hạnh. Bởi vì ngoài những vận động có thể làm rách màng trinh, có người lỗ màng trinh mở rất rộng, ngay cả khi giao hợp cũng không bị rách, lại cũng có người ngay khi sinh ra đã không có màng trinh hoặc không chỉ có một màng trinh, vì vậy không thể lấy việc màng trinh có hoàn chỉnh hay không để nói về “trinh tiết” của người đó. Bản thân các bạn gái không nên vì sợ rách màng trinh mà ngại vận động.
Giữ mình trong sạch cho tình yêu chân chính là điều mà các bạn trai, gái cần phải làm. Cách làm không phải là việc giữ gìn màng trinh mà là giữ gìn đạo đức giới tính và xây dựng cuộc sống lành mạnh trong sáng. Màng trinh có lẽ có tác dụng giữ vệ sinh cho phần trong âm đạo của người con gái vị thành niên, đương nhiên phải cố gắng không nên đụng chạm đến, tuy nhiên nếu nó tự rách ra hoặc không còn nguyên vẹn, thì cũng không cần phải lo lắng.
|