Tuyển sinh chung đề, chung đợt, sao không chấm chung?
 |
Ký nộp bài thi tại
|
Theo ý kiến của GS.TS Tôn Thất Bách - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, các kỳ tuyển sinh chung đề, chung đợt, sử dụng chung kết quả để xét tuyển trên cả nước, cần thành lập một hội đồng chấm thi chung với sự góp mặt của giảng viên tất cả các trường ĐH.
GS. Tôn Thất Bách cho biết kỳ tuyển sinh 2001 Hội đồng tuyển sinh ĐH Y Hà Nội chấm điểm 0 cho 1/1.000 bài thi. Tuy nhiên, tỷ lệ này chắc chắn sẽ thay đổi nếu số bài thi vào ĐH Y Hà Nội do một hội đồng tuyển sinh khác chấm. Các bài thi không bị chấm điểm liệt của trường cũng sẽ có kết quả không đồng nhất nếu được chấm tại nhiều hội đồng khác nhau.
Năm nay, trong hoàn cảnh xét tuyển nguyện vọng 2, 3 cho thí sinh đến từ nhiều trường trên cả nước, các hội đồng tuyển sinh buộc phải chấp nhận kết quả chấm thi của trường bạn, dù cách đánh giá bài thi của các trường thường khá chênh lệch; đáp án thường được ''zu zi'' theo nhiều mức độ khác nhau. Theo GS. Tôn Thất Bách, đây là một trong những lý do khiến nhiều trường ĐH (nhất là các trường vốn có điểm chuẩn cao) không thiết tha với việc xét tuyển nguyện vọng 2, 3; một số trường bỏ qua quy định dành tối đa 80% để xét tuyển nguyện vọng 1, tối thiểu 20% cho nguyện vọng 2, 3; chủ định dành cả 100% chỉ tiêu để tuyển ngay đợt đầu theo điểm thi do các giảng viên trường mình chấm.
Cùng chung ý kiến với GS. Tôn Thất Bách, đại diện hội đồng tuyển sinh các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Xây dựng, Kinh tế - Quốc dân, Ngoại ngữ Hà Nội, Công đoàn, ĐH Đà Lạt, ĐH Công nghệ TP.HCM; các học viện kỹ thuật quân sự (cơ sở 1), Quan hệ quốc tế đều cho rằng, việc chấm thi tuyển sinh riêng chỉ phù hợp trong hoàn cảnh các trường ĐH, CĐ tự ra đề và tổ chức thi. Khi kỳ thi được triển khai chung trên cả nước, ngoài việc soạn thảo đề chung và xây dựng đáp án, thang điểm thống nhất, rất cần có một hội đồng chấm thi duy nhất thực hiện nhiệm vụ xác định kết quả thi của thí sinh. Bộ GD-ĐT có thể dễ dàng thành lập hội đồng này bằng cách huy động trí lực của giảng viên tất cả các trường ĐH trong một khoảng thời gian không dài mỗi mùa tuyển sinh. Kết quả chấm chung của đội ngũ này, theo nhận định của các cơ sở ĐH nói trên, sẽ được tất cả các hội đồng tuyển sinh chấp nhận với thái độ thoải mái; các quy định xét tuyển thí sinh của Bộ cũng sẽ được các hội đồng tuyển sinh thực thi với tinh thần tự giác cao.
Cũng theo nhận định của người làm tuyển sinh nhiều trường ĐH, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2002 dù giảm vất vả, tốn kém xã hội và hạn chế tình trạng học lệch, học tủ, học thực dụng của học sinh, vẫn chỉ thành công một nửa. Chỉ khi tạo dựng được mặt bằng đánh giá trình độ thí sinh làm căn cứ cho việc xét tuyển chung trên cả nước, mới mong tìm được công bằng trong kỳ tuyển sinh ''chung đề, chung đợt'' - kỳ thi còn được Bộ GD-ĐT tiếp tục triển khai trong nhiều năm tới.
Quảng Hạnh - VASC Orient
|