Nguồn tuyển sinh vì đâu lại cạn kiệt

Trước tình hình đó Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ thái độ vô cảm. Một số cán bộ lãnh đạo của Bộ khi phát biểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn nói theo quan điểm “vơ đũa cả nắm”.. 

Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ bị ép phải tự giải thể nếu vẫn duy trì chính sách tuyển sinh như hiện nay” – TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GD Đại học, Bộ GD&ĐT.

Từ khoảng hai năm trở lại đây và nhất là trong năm 2012, việc tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cũng như một số trường công lập ở địa phương gặp nhiều khó khăn, hầu hết các trường đều không thực hiện được kế hoạch tuyển sinh. Riêng năm 2012 trong số hơn 80 trường ngoài công lập chỉ có một số nhỏ trường tuyển sinh được gần đủ hoặc đủ chỉ tiêu. Phần lớn trường chỉ tuyển được 30-60%, không ít trường chỉ tuyển được 20-30%, thậm chí có trường chỉ tuyển được một lượng nhỏ không đáng kể.

Thời gian qua, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nhận được khá nhiều ý kiến từ các trường hội viên bày tỏ lo lắng về thực trạng tuyển sinh như trên. Đến nay, sự lo lắng của từng trường đã trở thành sự lo lắng chung của cả hệ thống các trường ngoài công lập bởi tuyển sinh là vấn đề sống còn của các trường. Theo dự báo của nhiều chuyên gia giáo dục, nếu chính sách tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ nguyên như hiện nay thì chỉ vài năm nữa sẽ có hàng loạt trường đại học, cao đẳng phải tự giải thể do cạn kiệt nguồn tuyển.

Trước tình hình đó Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ thái độ vô cảm. Một số cán bộ lãnh đạo của Bộ khi phát biểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn nói theo quan điểm “vơ đũa cả nắm” cho rằng những trường gặp khó khăn trong tuyển sinh là do kém về cơ sở vật chất và quản lý, yếu về đội ngũ giảng viên, nội bộ mất đoàn kết, do mở quá nhiều các ngành về kinh tế,… nên người học không muốn đăng ký vào học.

Thực tế thì trong số hàng loạt trường không tuyển đủ chỉ tiêu có không ít trường đại học ngoài công lập đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm định, nhiều năm nay không hề tuyển thiếu, có cơ sở vật chất khá khang trang, có đội ngũ giảng viên là những giáo sư nổi tiếng (đến từ các đại học nước ngoài có tiếng) và có đội ngũ lãnh đạo là những người đã từng đảm đương vai trò quản lý chủ chốt trong ngành cũng như trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Những trường yếu kém, chạy theo “thương mại hoá” cũng có nhưng không phải tất cả các trường ngoài công lập đều yếu kém như có người đã nói.

Qua nghiên cứu ý kiến của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập và của nhiều chuyên gia hàng đầu về giáo dục, chúng tôi cho rằng có thể có nhiều lý do nhưng lý do chính khiến phần lớn các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập không tuyển được sinh viên là nguồn tuyển sinh đã thực sự cạn kiệt, không phải luôn dôi dư như lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nói. Theo phân tích của chúng tôi có bốn nguyên nhân dẫn đến sự cạn kiệt đó:

Một là, từ năm 2012 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các trường đại học và cao đẳng được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh nên tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của tất cả các trường công lập đã đạt con số kỷ lục là 504.000, vượt tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn ngành (cả công lập lẫn ngoài công lập) trước đó 3 năm là 502.000.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải rằng tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường công lập là để tạo ra sự bình đẳng trong cạnh tranh tuyển sinh giữa các khối trường công lập và ngoài công lập nhưng trên thực tế cho tới nay giữa 2 khối trường này đã làm gì có sự bình đẳng thực sự, chí ít dưới quan niệm phổ biến của người học. Đứng trước 2 trường công và tư có chất lượng đào tạo như nhau, người học bao giờ cũng chọn trường công bởi vì trường công được nhà nước bao cấp nên họ chỉ phải nộp học phí thấp, không phải đóng thuế cho nhà nước (qua học phí) và ngoài ra còn được hưởng nhiều chế độ ưu đãi khác của nhà nước.

Như vậy là, việc tăng thoải mái chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường công lập đã làm hẹp cửa tuyển sinh cho các trường thuộc khu vực ngoài công lập. Ngoài ra, dưới một góc nhìn khác, việc tăng thoải mái quy mô tuyển sinh cho các trường công lập trong khi nguồn lực đầu tư cho các trường này lại tăng hầu như không đáng kể, trên thực tế đã làm giảm chất lượng đào tạo của hệ thống này, đi ngược lại mục tiêu của xã hội hoá giáo dục (Chất lượng của giáo dục đại học không phải chỉ được quyết định bởi 2 thông số tỷ lệ sinh viên/giảng viên và số mét vuông sàn/ sinh viên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã áp dụng!).

Hai là, kỳ thi tuyển sinh “ba chung” của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nhiều năm qua thường cho kết quả rất thấp, nhiều môn thi có kết quả rất yếu, mặc dù kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học lại cao “chót vót”. Trong nhiều năm tổng điểm 3 môn thi (đặc biệt ở khối A là khối chiếm đông thí sinh nhất) của phần lớn thí sinh chỉ rơi vào khoảng 7-8/30 (trong khi “điểm sàn” được Bộ chọn lại dao động từ 13 đến 15?).

Để giải thích điều “lạ thường” đó người ta có thể đổ lỗi cho chất lượng học sinh, đội ngũ giáo viên, chương trình… Tuy nhiên, theo chúng tôi, nguyên nhân chính là đề thi của Bộ hàng năm thường không chuẩn, năm khó năm dễ, môn khó môn dễ. Theo lý luận về đánh giá trong giáo dục, chỉ cần nhìn vào phổ điểm ở các môn thi là đủ thấy sự không khách quan và không chuẩn của phần lớn đề thi do Bộ chuẩn bị trong nhiều năm qua.

Ba là, quy định “điểm sàn” theo sáng kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm cho nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập và cả các trường của địa phương rất khó khăn trong tuyển sinh, do nguồn tuyển từ “điểm sàn” trở lên ngày càng cạn kiệt, đặc biệt khi các trường đại học công lập “tốp trên” xác định điểm chuẩn vào trường áp sát “điểm sàn” của Bộ.