Tobicom & pho-L
  | Trang chủ | Lớp học trực tuyến | Thư viện kiến thức | Tư vấn hướng nghiệp | Câu lạc bộ | Chuyên gia tư vấn |
Giới thiệu dịch vụ
Thông tin cần biết
Thông tin trường học
Cùng góp ý
Hướng dẫn sử dụng
Hỗ trợ trực tuyến
Danh sách đại lý Educard
   
   
   
   
   
   
   

Hội nghị Tuyển sinh ĐH,CĐ 2002: Ngổn ngang tơ vò

Do phải dành gần hết buổi sáng 14/3 cho việc nghe báo cáo về kỳ tuyển sinh năm ngoái và phương hướng công tác tuyển sinh năm nay, gần 1.000 đại biểu từ các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ từ Thừa Thiên - Huế trở ra chỉ có chưa đầy một giờ để đối thoại thẳng thắn với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về cách tuyển sinh mới. Vì vậy, chỉ có vấn đề nóng bỏng nhất - xét tuyển thế nào cho không rối trong hoàn cảnh các trường 'chung đề, chung đợt, sử dụng chung kết quả thi’’ được đặt lên bàn Hội nghị.

Theo nhận định của phần đông đại biểu, vấn đề xét tuyển năm nay sẽ cực kỳ phức tạp do mỗi thí sinh được lựa chọn quá nhiều nguyện vọng (thí sinh 'láu cá’’ có thể ghi vài nguyện vọng 2, vài nguyện vọng 3 trong vài bộ hồ sơ đăng ký nguyện vọng gửi nhiều trường cùng lúc); các trường phải lấy số thí sinh trúng nguyện vọng 1 của mình, dành một số chỉ tiêu cho các thí sinh có nguyện vọng 2 đã trượt nguyện vọng 1 ở các trường khác trong khi mặt bằng trình độ thí sinh dự thi ở các trường không đồng đều; mỗi trường chấm điểm ‘’rộng- chật’’ khác nhau; các trường lại thường khó công nhận kết quả chấm thi của nhau.

Ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng trường ĐH Dân Lập Hải Phòng nói: 'Chúng ta đang làm rối lên vì cho phép thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Trong hoàn cảnh thi chung đợt, chung đề, dùng chung kết quả thi để xét tuyển, chỉ nên cho mỗi thí sinh đăng ký không quá hai nguyện vọng’’. Cũng như nhiều đại biểu tham gia Hội nghị, ông Nghi bày tỏ nỗi lo lắng trước sự mờ nhạt quá rõ của phương án xét tuyển theo các nguyện vọng; kỳ tuyển sinh lại đang đến gần. Chính bản thân ông cũng phải thừa nhận trước Hội nghị rằng ‘’đã đọc phương án xây dựng điểm xét tuyển nhưng không thể hiểu vì quá rối rắm’’.

Vấn đề khiến các đại biểu băn khoăn nhiều nhất vẫn là xét tuyển thí sinh theo nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 thế nào để đảm bảo công bằng và không để trường nào lâm vào tình trạng thừa hoặc thiếu thí sinh so với chỉ tiêu tuyển sinh được giao. Giải pháp được Thứ trưởng Trần Văn Nhung cho là khả thi là định con số chênh lệch hợp lý (khoảng 2 điểm) giữa các nguyện vọng; nghĩa là để trúng nguyện vọng 2 vào một trường, thí sinh phải có tổng điểm thi cao hơn thí sinh đã trúng nguyện vọng 1 vào trường đó hai điểm và để đạt được nguyện vọng 3, điểm thi của thí sinh phải cao hơn của các thí sinh đã trúng nguyện vọng 2 hai điểm).

Tuy nhiên, theo ý kiến của PGS.TS Ngô Doãn Đãi - Phó Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, việc định chênh lệch điểm để xét nguyện vọng 2, 3 chỉ làm cho quá trình xét tuyển thêm phức tạp. Hơn nữa, đây là phương án khó hiện thực hoá. Nguyện vọng 2 bao giờ cũng thể hiện hy vọng thấp hơn (vào trường 'thường’’ hơn); điểm thi của thí sinh có nguyện vọng 2 vào một trường bao giờ cũng thấp hơn điểm của những thí sinh đã trúng nguyện vọng 1 vào trường đó. Với lý do này, ông Đãi lo ngại về khả năng không tuyển được thí sinh theo nguyện vọng 2 ở một số trường vốn có điểm chuẩn cao.

Trong khi đó, Thứ trưởng Trần Văn Nhung lại đề xuất phương án dành 15- 30% chỉ tiêu tuyển sinh cho các thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 (cũng là gợi ý của Chính phủ). Dự báo về khả năng thực hiện phương án này, TS. Phùng Văn Vận - Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho biết, Học viện có thể mất 15- 30% chỉ tiêu để dành trên do điểm chuẩn khối cao đẳng hàng năm tại đây còn cao hơn cả điểm chuẩn của một số trường đại học; thí sinh đăng ký nguyện vọng 2, 3 khó có thể trúng vào khối này, chứ đừng nói đến vào Đại học Công nghệ bưu chính viễn thông. Ông Vận kết luận, để tuyển đủ 15-30% thí sinh theo nguyện vọng 2 như chỉ đạo trên của Bộ, Học viện của ông đành phải xin hạ điểm chuẩn thi đại học.

Sót!

Theo nhận định của đại diện nhiều trường đại học, mô hình tuyển sinh mới và phức tạp nhất - thi theo cụm lại gần như bị lãnh đạo Bộ GD - ĐT 'bỏ quên' . Ông Phùng Văn Vận - người dành nhiều quan tâm đến vấn đề tổ chức thi và xét tuyển thí sinh các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị tại cụm thi thí điểm Vinh cho biết, Học viện Công nghệ thông tin không biết phải làm thế nào để có thông tin về số thí sinh đăng ký xét tuyển vào Học viện theo nguyện vọng 1. Để có kết quả thi tuyển sinh này, liệu Học viện có phải chuyển bài thi ra Hà Nội, hay cử cán bộ vào Vinh chấm bài không. Phương án nào cũng kéo theo yêu cầu bảo mật hết sức phức tạp, nằm ngoài khả năng của một cơ sở đào tạo.

Chung vai gánh vác

Trước tính phức tạp của vấn đề xét tuyển ĐH, CĐ theo nguyện vọng của thí sinh, nhiều đại biểu Hội nghị Tuyển sinh 2002 cho rằng, cần phải tuyên truyền cho các thí sinh thấy các em cũng có trách nhiệm 'lo toan' cùng ngành GD. Thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng để chọn nguyện vọng 1 cho việc thi và lấy điểm; chỉ nên coi các nguyện vọng khác như những lá đơn xin phúc khảo để dự trù cho trường hợp hỏng nguyện vọng đầu.

Tuy nhiên, theo khẳng định của Bộ GD- ĐT, dù việc xét tuyển nguyện vọng 2 và 3 trong tuyển sinh là một bài toán khó, Bộ vẫn gắng hết sức để bảo đảm quyền lợi thực tiễn của thí sinh cả nước; đó là thi 1 lần, được xét cả 3 nguyện vọng.

Bộ GD- ĐT sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến đóng góp về vấn đề tổ chức thi, chấm thi và xét tuyển theo các nguyện vọng để soạn thảo quy chế tuyển sinh, trình Chính Phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Tại Hội Nghị tuyển sinh 2002, lãnh đạo Bộ GD- ĐT đã thông báo thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2002 với 24 thành viên. Thứ trưởng Trần Văn Nhung làm Trưởng Ban và Tổ Thư ký giúp việc cho ban này (gồm các chuyên viên, thanh tra viên giáo dục và cán bộ một số trường ĐH). Bộ cũng quyết định cử PGS.TS Bành Thế Long - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội làm Vụ trưởng Vụ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

VASC Orient

Các tin tức khác
  1. Nghiêm cấm các trường ĐH tổ chức thi thử
  2. TP.HCM: Số lớp tăng cường tiếng Anh ít hơn nhu cầu
  3. Ngày thi tốt nghiệp THCS đầu tiên: Đề thi dễ?
  4. Hôm nay, 1,27 triệu học sinh thi tốt nghiệp THCS
  5. Điều kiện chấm phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT
  6. Điện thoại nóng dành cho học sinh luyện thi ĐH
  7. Vụ thi hộ vào ĐH ngoại ngữ: phát hiện thêm 48 trường hợp vi phạm
  8. TP.HCM: Khởi động mùa… ''chạy trường''
  9. Tuyển sinh THCN 2002: Lượng tăng, chất có tăng?
  10. Các hội đồng tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn lúng túng với bài toán CNTT

Xem tiếp: 1 2 3 4 5 6 7 8 9


 Copyright 2002 by VASC, All rights reserved. Contact us: e-School Webmaster
 99 Trieu Viet Vuong, Hanoi, Vietnam. Tel: 84-4-9782235, Fax: 84-4-9780636