|
Bộ GD-ĐT thông tin gì cho thí sinh đã đăng ký dự thi ĐH, CĐ?
|
Theo thông báo của Bộ GD-ĐT và một số thành viên trong Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH,CĐ, THCN, kỳ thi năm nay thí sinh được quyền chọn trường dự thi cho đến ngày sát kỳ thi; những em có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên ở vùng sâu, vùng xa vẫn được hưởng điểm ưu tiên. Đặc biệt, một số trường có thể sẽ không tuyển được thí sinh theo nguyện vọng 2.
Theo số liệu được Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ, THCN (Bộ GD- ĐT) công bố tại cuộc họp báo ngày 17/5, tổng số lượt thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường ĐH, CĐ năm 2002 là 1.381.462, chỉ bằng 63,5% so với năm 2001. Trong đó, số lượt thí sinh ĐKDT khối A chiếm khoảng 50% với trên 678.000 hồ sơ, ĐKDT vào khối B trên 176.000, khối C là 278.000 và khối D gần 130.000 hồ sơ. Đa số các trường ĐH đều có lượt thí sinh ĐKDT giảm so với năm 2001. ĐH Quốc gia Hà Nội giảm 14% , ĐH Quốc gia TP. HCM giảm 18%, ĐH Đà Nẵng giảm 25%, ĐH Huế giảm 16%, ĐH Bách khoa Hà Nội giảm 17%...
Cũng theo Ban chỉ đạo tuyển sinh, tại cụm thi Cần Thơ chỉ có khoảng 17.000 thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 8 tỉnh bên kia sông Tiền ĐKDT; tại Vinh cũng chỉ có 29.000 hồ sơ. Vì vậy, Bộ GD-ĐT thông báo, việc tổ chức thi liên kết sẽ chỉ diễn ra ở Cần Thơ, không mở rộng sang thị xã Vĩnh Long. Tuy nhiên, Bộ đã có văn bản yêu cầu các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội có thí sinh dự thi tại 2 cụm thi trên, ngoài việc cử cán bộ giám sát và thư ký, ít nhất phải cử cán bộ coi thi số 1 (giám thị 1) cho mỗi phòng thi của trường mình. Do năm nay, Bộ GD-ĐT tổ chức thí điểm cụm thi liên trường tại TP. Vinh và TP. Cằn Thơ nên số thí sinh ĐKDT vào các trường ĐH tại Hà Nội và TP.HCM đều giảm khoảng 50% so với năm 2001.
Có thể chữa sai sót về nguyện vọng trước ngày thi
Ông Đỗ Văn Chừng- ủy viên thường trực Ban chỉ đạo tuyển sinh cho biết, những thí sinh đã nộp nhiều hồ sơ vào một trường sẽ được hội đồng tuyển sinh trường đó đánh số báo danh cho tất cả các hồ sơ này; các em có thể chọn một trong các số báo danh này để dự thi. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng (NV) như đã đăng ký; tuy nhiên nếu trót sai sót khi đăng ký NV, các em có quyền yêu cầu các trường sửa chữa cho đến ngày diễn ra kỳ thi (qua thư hoặc đến trực tiếp).
Những trường có nhiều thí sinh dự thi có thế tuyển 90% chỉ tiêu theo NV1
Theo đánh giá bước đầu của Ban chỉ đạo tuyển sinh, xét theo số lượng ĐKDT tăng, giảm của các trường, ngành nghề đào tạo vẫn ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh. Nhưng rõ ràng chất lượng đào tạo, uy tín của từng trường đã được thí sinh cân nhắc nhiều hơn; thể hiện rõ nét hơn qua số lượng ĐKDT.
Như vậy, những trường có uy tín về chất lượng đào tạo, có số thí sinh ĐKDT cao sẽ không thể tuân thủ tuyệt đối quy định dành 20% để tuyển NV2,3. Nguyên nhân là do thí sinh chỉ được ĐKDT vào 1 trường; đây là số thí sinh có chất lượng. Điều này cũng có nghĩa, điểm chuẩn xét tuyển NV1 sẽ cao so với mặt bằng chung; khi điểm chuẩn NV2 được định cao hơn 2 điểm so với NV1, khó thí sinh nào trượt NV1 ở một trường lại có thể đỗ NV2 vào các trường khác. Ngay cả khi các trường hạ điểm đồng đều ở tất cả các NV, cũng chỉ có thể tuyển được không đáng kể thí sinh NV2.
Tuy nhiên, dù một số trường đông thí sinh ĐKDT có thể phải tuyển theo NV1 tới 90% hoặc hơn nữa, Bộ GD-ĐT vẫn yêu cầu không được định điểm chuẩn NV1 quá thấp để tạo cơ hội cho các thí sinh đăng ký xét tuyển NV2 có điểm thi cao.
Đề thi môn văn hóa cho thí sinh thi các khối đặc biệt
Bộ GD-ĐT quy định thống nhất khối thi cho các môn văn hóa của các trường năng khiếu như sau: - Khối V của ngành kiến trúc: chung đề môn Toán và Vật lý của khối A.
- Khối H (gồm các ngành mỹ thuật và mỹ thuật công nghiệp, âm nhạc) và khối N vào các nhạc viện: chungđề môn Văn của khối C.
- Khối T của các trường thể dục thể thao, các khoa thể dục thể thao: chung đề môn Toán, Sinh của khối B.
- Khối M thuộc ngành Giáo dục mầm non: chung đề môn Toán và Văn của khối D.
Thí sinh được quyền chọn trường dự thi
Năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh nộp cùng lúc nhiều hồ sơ ĐKDT với nhiều NV1 khác nhau; tuy nhiên các em chỉ đợc chọn 1 trường để dự thi. Trên thực tế, không ít thí sinh nộp rất nhiều hồ sơ với NV1 như nhau (giống cả ngành và khối thi); chỉ khác NV2 và 3. Những em này cần chủ động làm đơn hoặc trực tiếp đến báo bộ hồ sơ cần được ưu tiên cho sở GD-ĐT hay trường mình ĐKDT, hoặc chọn trường mình ưng ý nhất trong số các giấy báo thi để dự thi. Theo cách thứ 2, trong ngày đến tập trung tại trường dự thi, thí sinh phải báo cho cán bộ coi thi biết để hủy các giấy báo thi còn lại và sắp xếp chỗ ngồi.
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý, dù đợc trao quyền chủ động lựa chọn trường thi cho đến sát kỳ thi, thí sinh sẽ gây khó khăn cho các sở GD-ĐT và các trường ĐH nếu ra quyết định muộn. Trên thực tế, các sở GD-ĐT và các trường ĐH không thể đáp ứng nguyện vọng chỉnh sửa hồ sơ ĐKDT cùng lúc cho quá đông thí sinh. Đấy là chưa kể mỗi bộ hồ sơ còn liên quan đến lệ phí ĐKDT.
Vẫn ưu tiên thí sinh vùng sâu, vùng xa
Kỳ thi 2002, Bộ GD-ĐT vẫn thực hiện chính sách ưu tiên theo hướng tăng số thí sinh trúng tuyển thuộc diện ưu tiên 1, ưu tiên 2, khu vực 1, khu vực 2 (đã có hướng dẫn cụ thể trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2002). Do vậy, khi làm hồ sơ ĐKDT và đăng ký xét tuyển, thí sinh thuộc các đối tượng được ưu tiên (theo quy định hiện hành) cần lưu ý để tránh bị thiệt thòi.
Theo Thế Giới Mới Các tin tức khác
-
Nghiêm cấm các trường ĐH tổ chức thi thử
-
TP.HCM: Số lớp tăng cường tiếng Anh ít hơn nhu cầu
-
Ngày thi tốt nghiệp THCS đầu tiên: Đề thi dễ?
-
Hôm nay, 1,27 triệu học sinh thi tốt nghiệp THCS
-
Điều kiện chấm phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT
-
Điện thoại nóng dành cho học sinh luyện thi ĐH
-
Vụ thi hộ vào ĐH ngoại ngữ: phát hiện thêm 48 trường hợp vi phạm
-
TP.HCM: Khởi động mùa… ''chạy trường''
-
Tuyển sinh THCN 2002: Lượng tăng, chất có tăng?
-
Các hội đồng tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn lúng túng với bài toán CNTT
Xem tiếp: 1 2 3 4 5 6 7 8 9
|